Đồng Tiến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
– Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng đã tích cực tuyên truyền người dân trên địa bàn xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu.
Gia đình bà Lục Thị Thu, thôn Làng Quặng là một trong những hộ chăn nuôi gà với quy mô lớn trên địa bàn xã Đồng Tiến từ năm 2010. Bà Thu cho ‘biết: Gia đình tôi chủ yếu nuôi giống gà lai hồ và gà lai chọi, tận dụng diện tích trồng cây vải, tôi nuôi theo hình thức thả đồi để chất lượng thịt gà thơm ngon. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 1 vạn con gà, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Mô hình chăn nuôi trâu trên địa bàn xã Đồng Tiến
Cũng có thu nhập cao từ chăn nuôi nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Ban, thôn Đèo Cáo – Lân Chàm lại chọn chăn nuôi dê thương phẩm. Ông Ban cho biết: Từ năm 2012, gia đình tôi đã tìm hiểu và xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê với số lượng lớn. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi nuôi được khoảng 4 lứa dê, xuất bán ra thị trường 500 con, thu nhập đem lại trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Không chỉ gia đình bà Thu, ông Ban, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã là hơn 41 nghìn con, trong đó đàn gia súc trên 2.000 con, đàn gia cầm trên 39.000 con.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho bà con phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Cụ thể: xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, hiện tổng dư nợ của toàn xã là 27,9 tỷ đồng, với 614 hộ vay (trong đó, 50% số hộ vay vốn để chăn nuôi). Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh tuyên tuyền, hỗ trợ người dân vay vốn theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/10/2021 (sửa đổi, bổ sung về một số điều của Nghị quyết 08) về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 với tổng số vốn là 1,5 tỷ đồng cho 2 hộ vay vốn nuôi dê và gia cầm.
Ông Phạm Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi như quỹ đất rộng; diện tích cây ăn quả khá lớn (khoảng 100 ha) để tận dụng nuôi gà thả đồi. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND xã cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 5 đến 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Qua đó, các hộ có thêm kiến thức áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình, hiện nay, đàn vật nuôi của xã phát triển ổn định. Đặc biệt trong năm 2022, trên địa bàn xã thành lập được 2 tổ chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP với 17 thành viên.
Từ chăn nuôi hiệu quả, đã giúp người dân trên địa bàn xã Đồng Tiến nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã bình quân từ 3% đến 5%/năm, hiện xã còn 13% hộ nghèo; năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người, tăng 8 triệu đồng/người so với năm 2021.
“Những năm qua, người dân xã Đồng Tiến đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Qua đó, đã có nhiều hộ phát triển mô hình chăn nuôi với quy mô, số lượng lớn, trong đó, nổi bật có mô hình nuôi gà thả đồi (với khoảng 20 hộ có mô hình nuôi gà số lượng từ 1.000 đến 2.000 con/lứa), còn lại là các mô hình nuôi dê, vịt, ngan, từ đó giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đây cũng là xã tiêu biểu nhất trong phong trào phát triển chăn nuôi của huyện”. Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng |
Ý kiến ()