Đồng tiền gắn liền trách nhiệm
LSO-Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số” không chỉ là một chính sách mang tính nhân văn cao cả, mà còn là sự tiếp sức cho công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại cơ sở.
Phụ nữ nghèo thực hiện tốt chính sách dân số ở xã Quan Sơn (Chi Lăng) nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ |
Người dân đón nhận chính sách
Cầm 2 triệu đồng mới lĩnh tại trạm y tế xã, anh Vi Văn Quang, thôn Củ Na, xã Quan Sơn (Chi Lăng) tâm sự: Vợ tôi đang chăm sóc con gái thứ 2 điều trị tại Bệnh viện Chi Lăng, tôi ra đây lĩnh tiền hỗ trợ về để có tiền mua sữa cho cháu. Vợ chồng tôi rất nghèo, mặc dù chỉ sinh được 2 con gái nhưng hai vợ chồng tôi đều thống nhất chỉ có 2 con thôi.
Không chỉ có vợ chồng anh Quang, mà trong 15 trường hợp ở Quan Sơn được hỗ trợ lần này, có đến 4 trường hợp đã sinh 2 con gái. Thậm chí có cặp vợ chồng chỉ có 1 con gái cũng quyết định không sinh thêm. Ngồi đợi lĩnh tiền, anh Vy Văn Quân nói rằng: Vợ chồng tôi mới có 1 con gái 20 tháng tuổi, bà ngoại cứ vận động đẻ thêm, song 2 vợ chồng bàn bạc và quyết định không sinh thêm con. Được tiền hỗ trợ, chúng em sẽ có thêm điều kiện để bổ sung sữa cho cháu khôn lớn.
Anh Lý Văn Phương, cán bộ chuyên trách dân số xã Quan Sơn cho biết: Theo Nghị định 39, nhà nước hỗ trợ cho mỗi cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cam kết sinh con đúng chính sách dân số được nhận 2 triệu đồng/hộ. Đây là sự giúp đỡ trực tiếp đến các đối tượng, để họ bớt khó khăn hơn trong cuộc sống, nuôi dạy con cái tốt hơn. Không chỉ có vậy, chính sách này còn có tác động lớn đến cộng đồng dân cư, trực tiếp là những người đang có ý muốn sinh con thứ ba trở lên; sự hỗ trợ cũng có tác động tích cực đến công tác dân số/KHHGĐ ở cơ sở.
Thẩm định kỹ, tư vấn sâu
Thống kê của Chi cục Dân số tỉnh cho biết, dự toán tổng số đối tượng được hỗ trợ trong nửa cuối năm 2015 và năm 2016 của toàn tỉnh là 2.518 người với tổng số 5,036 tỷ đồng. Do là cấp ban hành quyết định hỗ trợ, quyết định thu hồi, nên UBND các xã đã phân công chuyên trách dân số và toàn hệ thống chính trị địa phương phổ biến, hướng dẫn cũng như thẩm tra, xác minh thông tin; giám sát thực hiện, phát hiện các sai phạm để xử lý.
Ông Lương Ngọc Mạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Lộc Bình cho biết: Do phổ biến kỹ nên người dân khá thận trọng khi làm hồ sơ và ký cam kết. Họ hiểu rằng sự ràng buộc là rất lớn, không chỉ vì kinh tế mà còn là vấn đề danh dự. Nhiều cặp vợ chồng đăng ký ban đầu, song khi được tư vấn, phổ biến kỹ đã “rút” hồ sơ, vì cảm thấy còn phân vân giữa tiếp tục đẻ thêm hay nhận hỗ trợ. Vì vậy, trong đợt này, Lộc Bình có 115 đối tượng đăng ký, song hết đợt chỉ có 80 cặp vợ chồng đủ điều kiện và nhận hỗ trợ. Cũng tương tự như vậy, huyện Hữu Lũng có 146 đối tượng đăng ký, song qua rà soát chỉ có 117 đối tượng được hỗ trợ.
Có sự chênh lệch giữa dự toán và thực tế hỗ trợ chứng tỏ người dân đã có trách nhiệm cao với sự cam kết của mình. Hai triệu đồng là số tiền lớn, song không thể nhận bừa, nhận ẩu để khi vi phạm lại bị thu hồi. Lương tâm và trách nhiệm của người dân cộng với sự thận trọng, kỹ càng của cơ quan chức năng và chính quyền sẽ là cơ sở để đồng tiền hỗ trợ đến đúng địa chỉ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Hy vọng rằng, trong số các đối tượng được hỗ trợ, không có cặp vợ chồng nào vi phạm cam kết để phải nhận quyết định thu hồi.
MINH HỒNG
Ý kiến ()