Đồng thuận về chống chủ nghĩa khủng bố nhưng chưa đạt được bước tiến về khí hậu
Các nhà lãnh đạo của Nhóm quốc gia công nghiệp phát triển G7, nhóm họp tại Taormina (Italy) ngày 26/5, đã dễ dàng tìm được tiếng nói chung về vấn đề khủng bố song vẫn chưa đạt được bước tiến về khí hậu hay thương mại quốc tế.
Sau ngày đầu tiên của phiên họp toàn thể và song phương, các quốc gia G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Italy) đã thông qua một tuyên bố chống lại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kêu gọi những người dùng internet cùng tham gia nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống “những nội dung khủng bố”. Việc làm này đã đáp ứng yêu cầu được Thủ tướng Theresa May của Anh – quốc gia vừa bị tác động bởi một vụ tấn công đẫm máu ngày 23/5 làm 22 người chết và 64 người khác bị thương – đưa ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà May cho biết: “Đó là một bước tiến quan trọng. Các công ty (internet) phải nhận thức được trách nhiệm của họ đối với xã hội”. Bà Theresa May cho rằng các công ty cung cấp dịch vụ mạng phải tham gia tích cực hơn nữa bằng cách thiết lập các công cụ tự động nhận diện và xóa bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố, cực đoan cũng như khóa các tài khoản đăng tải những nội dung này và đó là “trách nhiệm xã hội” của mỗi công ty công nghệ. Yêu cầu của Thủ tướng Anh được đưa ra trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo cực đoan và tổ chức IS dần mất đi những thành trì quan trọng ở thực địa, thì cuộc chiến dần chuyển sang mặt trận mạng Internet.
Ngoài ra, các nước G7 cũng cam kết thực hiện “cách tiếp cận tập thể” để chiến đấu chống lại mối nguy hiểm do những tay súng nước ngoài trở về từ vùng chiến tranh gây ra, đặc biệt là trong điều kiện của việc chia sẻ thông tin tình báo.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Italy Gentiloni Paolo, một trong những vấn đề gai góc nhất trong chương trình nghị sự của các nước G7, đó là cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn đang bế tắc. “Chính quyền Mỹ đang suy xét nội bộ về vấn đề này, và các nước khác đã thực hiện hành động. Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình” đối với Thỏa thuận Paris về khí hậu – ông Gentiloni nêu rõ trong một tuyên bố ngắn với báo chí.
Trong ngày 27/5, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ tiếp tục. Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, các nước Châu Âu sẽ cố gắng “thuyết phục” Tổng thống Trump về tầm quan trọng của thỏa thuận này, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh về cơ hội kinh tế và các cơ hội tạo việc làm.
Và đêm 26/5, những nỗ lực đó dường như đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Gary Cohn cho biết “quan điểm (của Tổng thống Mỹ) đã tiến triển”. “Ông ấy đến đây để tìm hiểu” – Cố vấn Gary Cohn cho biết, đồng thời cảnh báo “quyết định cuối cùng (của Tổng thống Trump) sẽ dựa trên những gì là tốt nhất đối với Mỹ”.
Việc Mỹ do dự có tham gia Thỏa thuận Paris về khí hậu hay không cũng từng phủ bóng đen lên Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mới diễn ra tại Bonn (Đức). Theo Thỏa thuận này, các nước tham gia sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C. Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26 – 28% lượng khí thải vào năm 2025./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()