Đồng thuận sáp nhập
LSO-Chủ trương sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước đang được tỉnh quan tâm thực hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị. Hiệu quả cũng như tâm thế sẵn sàng của các cơ quan đã và đang chuẩn bị cho sáp nhập thể hiện sự đồng thuận với sự chỉ đạo của tỉnh.
Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cao Lộc:“Sáp nhập là cơ hội phát huy hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ”.
Tháng 8/2016, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX. Với việc sáp nhập, trung tâm đã tinh gọn từ 5 xuống còn 3 tổ chuyên môn, đó là: GDTX, Hành chính – Giáo vụ – Tổng hợp và Đào tạo nghề hướng nghiệp với tổng số 44 cán bộ. Ban đầu khi mới sáp nhập, đội ngũ cán bộ gặp khó khăn và chưa bắt nhịp được với cách làm việc để thực hiện đa dạng hóa loại hình học tập. Chính vì vậy, trong các cuộc họp chi bộ, giao ban, họp hội đồng giáo dục nhà trường tôi đều quán triệt về tư tưởng để các cán bộ hiểu và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, tôi đã cử 14 giáo viên đi học chứng chỉ sư phạm dạy nghề, sau đó phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của cán bộ. Hiện các cán bộ đều phát huy hết năng lực và trí tuệ cho công việc, 40/44 cán bộ đều kiêm nhiệm từ 2 nhiệm vụ trở lên, các cán bộ đều thực hiện công việc có hiệu quả.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn:“Sáp nhập sẽ chuyển 1/2 số lượng viên chức thuộc sở về các huyện”.
Đề án tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của sở vừa qua đã nhận được kết quả tại Kết luận số 325 của Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành ngày 29/11/2017. Theo đó, việc hợp nhất 3 trạm: thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tại các huyện, thành phố thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn được tỉnh chỉ đạo nghiên cứu thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện đề án, tới khi có quyết định chính thức, chúng tôi sẽ bàn giao con người, kinh phí về từng huyện. Khi hoàn thành sáp nhập, từ 33 đầu mối trên toàn tỉnh sẽ giảm xuống chỉ còn 11 đầu mối. Theo đó, sở sẽ giảm khoảng 1/2 số lượng viên chức.
Ông Chu Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Lộc Bình:“Đã sẵn sàng cho sáp nhập”.
Hiện chúng tôi đã sẵn sàng và đang chờ Sở Nội vụ hướng dẫn để hoàn thiện đề án cuối cùng cho việc sáp nhập trung tâm văn hóa – thể thao và đài truyền thanh – truyền hình huyện. Hai đơn vị sáp nhập sẽ hướng các hoạt động thống nhất theo một đầu mối, tạo thuận lợi trong chỉ đạo và điều hành, triển khai nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động… Theo đề án, sau sáp nhập, trung tâm mới có tên là Trung tâm Phát thanh truyền hình và Văn hóa thể thao huyện Lộc Bình. Chúng tôi dự kiến sẽ chuyển lãnh đạo cấp trưởng, phó của 2 đơn vị cũ bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc và 2 phó giám đốc trung tâm, bố trí 1 lãnh đạo làm công tác chuyên môn, chuyển 1 nhân viên kế toán đến đơn vị trường học trực thuộc đang thiếu biên chế, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi với 3 viên chức và chấm dứt 1 hợp đồng lao động khác.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()