Đồng Tháp phong tặng và truy tặng 142 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Sáng 8-8, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Vịêt Nam Anh hùng", danh hiệu vinh dự của Nhà nước cho 142 mẹ.
Đợt 1 năm 2014 này có 33 mẹ được phong tặng và truy tặng 109 mẹ, những người đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
* Tuyên truyền về biển, đảo và biên giới quốc gia
Ngày 8-8, tại TP Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền về biển, đảo và biên giới quốc gia cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và tuyên truyền viên của các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển truyền đạt các chuyên đề: Tình hình Biển Đông, quá trình đàm phán, giải quyết các tranh chấp về biển, đảo trong thời gian qua và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc; Luật Biển Việt Nam, biên giới trên bộ; tài nguyên biển và quản lý nhà nước về biển và hải đảo; tình hình an ninh, trật tự trên các vùng biển, đảo Việt Nam thời gian qua và việc thực thi pháp luật, kết quả bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam.
* Tặng quà nạn nhân chất độc da cam
Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2014), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương phối hợp với một số cơ quan đơn vị thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học sinh sống trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Trong đó, tặng quà gần 100 đối tượng ở TP Hải Dương với tổng trị giá gần 50 triệu đồng; tặng 5 chiếc ti-vi và 32 suất quà giúp các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Gia Lộc; tặng các cựu thanh niên xung phong cư trú trên địa bàn hai huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ 22 suất quà với tổng trị giá 14 triệu đồng.
* Cán bộ, công chức chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi dân
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, quy định về trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi dân của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh nếu gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Quy định nêu rõ 11 hành vi vi phạm của công chức bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chín hành vi vi phạm của bộ phận chuyên môn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, công chức cấp xã; bốn hành vi vi phạm đối với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo kiểm tra, xác minh và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh đó.
Nếu thông tin phản ánh không chính xác hoặc không thể xác minh cũng phải có văn bản thông báo lại cho tổ chức, công dân được biết… Việc công khai xin lỗi cũng thực hiện theo hai cách thức là trực tiếp và qua thư.
* Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành công tác dân tộc
Ngày 8-8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Dân tộc phối hợp Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tọa đàm thông tư ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành công tác dân tộc. Tại buổi tọa đàm, đại diện 17 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tìm hiểu về dự thảo 119 chỉ tiêu, thuộc 16 lĩnh vực ở hai nhóm về thống kê ngành công tác dân tộc. Phần lớn đại biểu cho rằng, hệ thống chỉ tiêu chưa bao quát được toàn bộ công tác quản lý nhà nước và cần bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số THPT, cao đẳng, đại học; số lượng trẻ em người dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành công tác dân tộc và xây dựng chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong đồng bào dân tộc, miền núi.
* Đầu tư hơn 62 triệu USD cho các chương trình trợ giúp xã hội
Tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa chính thức khởi động dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam, với tổng giá trị 62,5 triệu USD. Dự án kéo dài từ năm 2014 đến năm 2019, nhằm triển khai những sáng kiến đổi mới công tác quản lý và cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, đồng thời thí điểm những sáng kiến này tại bốn tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh.
Dự án sẽ tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có về hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng trợ giúp xã hội thành một cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho các chính sách xã hội và một hệ thống thông tin quản lý hiện đại để quản lý chính xác các đối tượng hưởng lợi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()