Đồng Tháp kỷ niệm 60 năm sự kiện tập kết chuyển quân ra bắc
Sáng 29-10, tại khu vực bến phà Cao Lãnh, vị trí những chuyến tàu năm xưa cập bến bắc Cao Lãnh chở những người con ưu tú miền nam tập kết ra bắc, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công xây dựng Tượng đài Tập kết.
Dự án xây dựng Tượng đài Tập kết được xây dựng trên diện tích hơn 12.000m 2, tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, thực hiện với hai giai đoạn. Giai đoạn một gồm các hạng mục: giải phóng mặt bằng, xây dựng đường, cầu, san lắp mặt bằng, xây dựng Tượng đài, đường đi nội bộ, sân lễ, hoa viên… dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng bờ kè, bến đậu tàu, mở rộng và hoàn chỉnh hoa viên.
Sáng ngày 28-10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đã phát hành tập Hồi ký về 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Với chủ đề “Đi vinh quang-ở anh dũng”, tập Hồi ký gồm hơn 100 bài viết và nhiều hình ảnh tư liệu quý phác họa lại bối cảnh lịch sử cách đây 60 năm tại thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, học sinh và con em cách mạng miền nam lên tàu ra bắc học tập, rèn luyện để tiếp tục tham gia vào công cuộc đấu tranh kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc và kiến thiết nước nhà.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin”.
Buổi chiều, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và các nhân chứng lịch sử đã đến viếng, dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tối 28-10, gần 600 đại biểu xem chương trình nghệ thuật “Giữ trọn niềm tin” và tham dự buổi giao lưu nhân chứng sự kiện tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Tại buổi giao lưu, các nhân chứng đã kể lại những thời khắc lịch sử lúc bấy giờ.
Thời hạn 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh dần khép lại, ngày 29-10-1954, chuyến tàu cuối cùng chở những người con ưu tú miền nam rời Cao Lãnh để tập kết ra miền bắc.
60 năm trước đây, Cao Lãnh vinh dự được chọn làm điểm tập kết chuyển quân 100 ngày của quân đội ta. Tại thời điểm đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long Châu Sa (nay là Đồng Tháp) đã đón tiếp 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền nam tại các tỉnh Mỹ – Tân – Gò, Gia Định Ninh, Phân Liên khu miền Đông, quân tình nguyện…về tập kết. 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh, nhân dân đã đùm bọc, thương yêu bộ đội như người thân trong gia đình, bộ đội giúp dân xây dựng các công trình trường học, cầu, đường, sửa sang nhà cửa, dạy chữ, dạy hát cho các em thiếu nhi… Những việc làm cụ thể của cán bộ, bộ đội cụ Hồ đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng, và lòng tin vào cách mạng sâu đậm trong nhân dân. Chính vì vậy, sau này khi đối phương vi phạm hiệp định, trong cơn khủng bố, đàn áp, cơ sở cách mạng ở Cao Lãnh vẫn vững vàng, tồn tại và phát triển…
Trong khuôn khổ của lễ kỷ niệm, trước đó, trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra nhiều hoạt động như: Thăm, tặng quà cựu chiến binh tập kết chuyển quân; triển lãm gần 300 tác phẩm ảnh tư liệu, thời sự, nghệ thuật chủ đề “Cao Lãnh xưa và nay”; Hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Đồng Tháp trong em-ước mơ ngày mai”…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()