Ðộng thái mới trong quan hệ giữa Nga và phương Tây
Hội nghị cấp cao giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngay sau Hội nghị cấp cao NATO trong hai ngày 19 và 20, tại Thủ đô Li-xbon của Bồ Đào Nha. Với việc Nga ký thỏa thuận với NATO tham gia kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu, Hội nghị đã mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa Nga và phương Tây.Tuyên bố chung Nga - NATO khẳng định, các nước NATO và Nga cam kết thông qua Hội đồng Nga - NATO để thảo luận các vấn đề hợp tác, các quyết định và hành động chung đối với vấn đề an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương. Hai bên nhất trí chính sách minh bạch và có tầm nhìn xa, nhằm củng cố an ninh và ổn định trong khu vực, thông qua các thiết chế và công cụ hiện có, đáp ứng lợi ích của Nga và NATO. Các nước cũng cam kết tránh đe dọa vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực chống lại nhau, cũng như chống lại bất kỳ quốc gia nào, dưới mọi hình thức,...
Tuyên bố chung Nga – NATO khẳng định, các nước NATO và Nga cam kết thông qua Hội đồng Nga – NATO để thảo luận các vấn đề hợp tác, các quyết định và hành động chung đối với vấn đề an ninh trong không gian châu Âu – Đại Tây Dương. Hai bên nhất trí chính sách minh bạch và có tầm nhìn xa, nhằm củng cố an ninh và ổn định trong khu vực, thông qua các thiết chế và công cụ hiện có, đáp ứng lợi ích của Nga và NATO. Các nước cũng cam kết tránh đe dọa vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực chống lại nhau, cũng như chống lại bất kỳ quốc gia nào, dưới mọi hình thức, không phù hợp Hiến chương LHQ và Tuyên bố về các nguyên tắc Hen-xin-ki. Hai bên bày tỏ sẵn sàng để đạt được quan hệ đối tác mới, mang tính chiến lược thật sự, dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, minh bạch và ổn định. Nga và NATO bắt đầu một giai đoạn hợp tác mới, hướng đến quan hệ đối tác chiến lược thật sự.
Việc Mát-xcơ-va, tại Hội nghị Li-xbon, đồng ý tham gia kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu, một vấn đề trước đó Nga luôn phản đối mạnh mẽ, là động thái cho thấy rõ sự xích lại gần nhau hơn giữa Nga và phương Tây. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng, đường lối chiến lược mới vừa được NATO thông qua cho thấy, mong muốn của NATO hướng tới quan hệ đầy đủ với Nga, cũng như cam kết tiếp tục đối thoại về một số vấn đề còn bất đồng. Mát-xcơ-va chấp nhận đề nghị tham gia hệ thống phòng thủ châu Âu, nhưng cần thêm thời gian nghiên cứu khi nhận được kế hoạch chi tiết. Tổng Thư ký NATO A.Ra-xmút-xen hoan nghênh quyết định trên của Nga, cho đây là một 'bước tiến thật sự' trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Phía Nga đề xuất hai hướng hợp tác. Một là, hai bên nối lại hợp tác trong hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường, vốn triển khai từ năm 2003 nhưng bị hoãn lại năm 2008, do quan ngại từ Mát-xcơ-va đối với kế hoạch của chính quyền Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại một số quốc gia châu Âu. Hai là, hai bên bắt đầu nghiên cứu khả năng phối hợp hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của nhau, trong đó các đối tác NATO thảo luận ý tưởng của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép về thiết lập một 'hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực' tại châu Âu. Dù trong hướng hợp tác nào, Mát-xcơ-va cũng khẳng định chỉ tham gia trên cơ sở bình đẳng.
Cơ sở để Mát-xcơ-va đồng ý tham gia lá chắn tên lửa chung với NATO là những diễn biến tích cực gần đây trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến tích cực, xu thế hợp tác đa phương được tăng cường, thì việc thúc đẩy hợp tác, đẩy lùi đối đầu không nằm ngoài các đường hướng chiến lược của Mát-xcơ-va. Trong khi đó, dù còn bất đồng quan điểm với Mát-xcơ-va trong đánh giá về cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gru-di-a tại Nam Ô-xê-ti-a hồi tháng 8-2008, nhưng châu Âu luôn đề cao tầm quan trọng của quan hệ đối tác với Nga. NATO cũng nỗ lực thúc đẩy nối lại quan hệ đầy đủ với Mát-xcơ-va trong khuôn khổ Hội đồng Nga – NATO. Mỹ và Nga đã ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới; Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma, các nhà lãnh đạo NATO ủng hộ và khẳng định thúc đẩy Thượng viện Mỹ thông qua văn kiện này trong năm nay. Sau khi Mỹ tuyên bố hủy kế hoạch lá chắn tên lửa tại châu Âu, NATO đã chuyển trọng tâm hệ thống phòng thủ này từ cơ cấu Đông Âu làm trung tâm sang một cơ cấu linh hoạt hơn. Việc này làm dịu sự phản đối từ Mát-xcơ-va…
Tuy nhiên, theo ý kiến phân tích của giới chuyên gia, việc triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ gặp những khó khăn mới. Đây là một dự án cực lớn, với tham vọng bảo vệ an ninh cho không gian toàn châu Âu. Dù phần lớn thiết bị là do Mỹ cung cấp, nhưng một dự án tốn kém như vậy sẽ là khó khăn lớn cho NATO, trong bối cảnh khối này đang thảo luận cắt giảm ngân sách. Châu Âu từng chia rẽ về phương thức phòng thủ, giữa một bên ủng hộ 'phương án số không' muốn loại bỏ vũ khí và một bên muốn tuyệt đối sử dụng chiến lược răn đe hạt nhân. Những ý kiến bất đồng có thể gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Trong khi đó, Mát-xcơ-va ký thỏa thuận tham gia, nhưng cảnh báo sẽ nghiên cứu kỹ kế hoạch này, nhằm bảo đảm tham gia trên tinh thần bình đẳng và phù hợp lợi ích an ninh quốc gia của Nga. Tổng thống Mét-vê-đép cho rằng, quan hệ Nga – NATO đã gần gũi hơn, minh bạch hơn, nhưng quá trình 'xích lại gần nhau' trong quan điểm đối với nhiều vấn đề của hai bên sẽ còn gặp không ít thách thức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()