Động thái của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Đông
Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri có chuyến thăm lần thứ hai trong hai tuần qua tới I-xra-en và Pa-le-xtin, một ủy ban cấp bộ trưởng của Liên đoàn A-rập (AL) đã họp tại Ðô-ha (Ca-ta), nhằm thảo luận các giải pháp khôi phục tiến trình hòa bình Trung Ðông bị bế tắc kéo dài.
Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri có chuyến thăm lần thứ hai trong hai tuần qua tới I-xra-en và Pa-le-xtin, một ủy ban cấp bộ trưởng của Liên đoàn A-rập (AL) đã họp tại Ðô-ha (Ca-ta), nhằm thảo luận các giải pháp khôi phục tiến trình hòa bình Trung Ðông bị bế tắc kéo dài.
Tuy nhiên, những động thái còn dè dặt và không đưa ra bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ, các cuộc tiếp xúc dường như chỉ mang tính hình thức chứ chưa có bước đột phá cụ thể nào cho một vấn đề đầy nan giải, gây căng thẳng lâu nay ở khu vực.
Kết thúc ba ngày hội đàm trong “các cuộc thảo luận mang tính xây dựng” với các nhà lãnh đạo khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cho rằng, việc nối lại các cuộc đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin cần được thực hiện một cách “phù hợp”, tránh vội vàng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã đề cập sáng kiến hòa bình do AL khởi xướng năm 2002, theo đó điều kiện mấu chốt để các nước A-rập thừa nhận nhà nước Do Thái là I-xra-en rút khỏi các vùng đất chiếm đóng từ cuộc chiến tranh năm 1967 và thừa nhận quyền hồi hương của người tị nạn
Pa-le-xtin. Thực tế, đến nay, sáng kiến này vẫn bế tắc do sự phản đối của I-xra-en, vì như vậy đồng nghĩa Ten A-víp phải trao trả cao nguyên Gô-lan cho Xy-ri đồng thời chia sẻ phần đất thánh Giê-ru-xa-lem. Phần lớn người Do Thái không chấp nhận quyền hồi hương của người tị nạn Pa-le-xtin cũng như việc từ bỏ các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng. Trong khi đó, tại cuộc tiếp xúc vừa qua với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát nhấn mạnh, những điểm đó là điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán. Ông Áp-bát còn muốn Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đưa ra một bản đồ biên giới lãnh thổ Nhà nước Pa-le-xtin trong tương lai, trước khi tái khởi động đàm phán.
Trong nỗ lực thúc đẩy nối lại đàm phán hòa bình I-xra-en – Pa-le-xtin bị ngừng trệ từ năm 2010, các nhà lãnh đạo AL tháng trước đã nhất trí cử một phái đoàn đến Hội đồng Bảo an LHQ. Phái đoàn này, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao của Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Ma-rốc, Ca-ta, A-rập Xê-út, Pa-le-xtin và Tổng Thư ký AL, dự kiến sẽ đến Oa-sinh-tơn ngày 29-4 tới để gặp Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nỗ lực ngoại giao dự báo khó đạt nhiều triển vọng. Bởi, trong chuyến công du bốn ngày tới Trung Ðông cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã không đạt bước đột phá rõ ràng nào trong việc tháo gỡ bế tắc cho tiến trình hòa bình Trung Ðông. Ông Ô-ba-ma khẳng định lại cam kết của Oa-sinh-tơn đối với việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập và có chủ quyền, tồn tại song song với I-xra-en, đồng thời nhấn mạnh đàm phán trực tiếp giữa hai bên là con đường để đạt được mục đích này, song không đưa ra một kế hoạch mới nào mà chỉ “lắng nghe” cả hai phía.
Mặc dù gần đây Mỹ có những động thái muốn thúc đẩy nối lại tiến trình hòa bình Trung Ðông, song bất đồng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin khó có triển vọng sớm được giải quyết. Sau khi tái đắc cử, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu đã bổ nhiệm cựu Tham mưu trưởng M.Y-a-lơn vào chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Y-a-lơn là người có quan điểm cứng rắn, nhất là đối với những vấn đề liên quan định cư của người Do Thái. Ông từng phản đối quyết liệt việc Ten A-víp ngừng xây dựng các khu định cư theo đề nghị của Mỹ. Hơn thế, mối quan tâm thật sự của I-xra-en ở khu vực hiện nay là muốn Mỹ khẳng định lại các cam kết giúp Nhà nước Do Thái bảo đảm an ninh. I-xra-en muốn Mỹ thực hiện vai trò kiểm soát các vấn đề gây nguy hiểm cho lợi ích của cả hai bên ở Trung Ðông. Trong chiến lược của
I-xra-en, Mỹ là phía bảo đảm cao nhất cho an ninh quốc gia và cam kết tài trợ một phần quốc phòng của nước này. Trong khi đó, về phía Pa-le-xtin, từng “vỡ mộng” trước những nỗ lực hòa bình thất bại của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma trong nhiệm kỳ đầu, cũng không hy vọng gì nhiều cho các cuộc tiếp xúc mới đây.
Các động thái mới đây của Mỹ thể hiện sự “quan tâm” của cường quốc số một thế giới này đối với khu vực Trung Ðông. Tuy nhiên, việc xới lên một vấn đề cũ và bế tắc lâu dài không đem lại nhiều kỳ vọng cho việc nối lại đàm phán I-xra-en – Pa-le-xtin. Con đường hòa bình ở Trung Ðông tiếp tục gặp không ít chông gai và đòi hỏi thiện chí thật sự của các bên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()