Đồng Tân: Phát triển kinh tế hiệu quả từ nuôi gà thương phẩm
– Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gà thương phẩm có quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Hướng đi này, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Trước đây, gia đình bà Lê Thị Bình, thôn Làng Cần chỉ chăn nuôi gà số lượng nhỏ với hình thức chăn thả tự nhiên. Từ năm 2017, sau khi tham quan, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gà tại tỉnh Thái Nguyên, bà bắt đầu chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hoá. Theo đó, gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại với thiết kế khép kín, lắp đặt hệ thống phun sương làm mát cho đàn gà và mở rộng quy mô với số lượng lên đến 2 nghìn con/lứa. Nhờ gia đình bà áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi nên gà ít bị bệnh, sinh trưởng tốt. Hiện nay, trung bình mỗi năm, bà nuôi 3 lứa gà, thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Người dân thôn Làng Cần, xã Đồng Tân chăm sóc đàn gia cầm
Bà Bình cho biết: Việc tiêu thụ gà khá ổn định, các thương lái thường đến tận nơi mua. Năm 2019, gia đình được UBND xã hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi để mở rộng quy mô với tổng kinh phí 200 triệu đồng từ vốn hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới. Nhờ đó, tôi nâng tổng đàn lên 6.000 con/lứa.
Từ hiệu quả của mô hình trên, UBND xã đã tập trung tuyên truyền, định hướng người dân phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hoá, an toàn sinh học. Đặc biệt, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm được UBND xã chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học cho người dân… Nhờ đó, người dân trên địa bàn đã từng bước phát triển hiệu quả các mô hình nuôi gà thương phẩm. Điển hình như mô hình chăn nuôi của gia đình ông Lục Văn Thanh, thôn Kim Chòi.
Ông Thanh cho biết: Từ năm 2004, tôi đã bắt đầu nuôi gà và lợn. Thời điểm đó, tôi chỉ duy trì 200 con gà và 2 lợn nái. Tuy nhiên, do tôi thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên gia súc, gia cầm thường xuyên bị bệnh. Đến năm 2019, được sự tuyên truyền của xã và nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học trên địa bàn, tôi đã học tập và đổi mới cách làm. Để hạn chế dịch bệnh, tôi lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đã được tiêm phòng, nguồn thức ăn đảm bảo, chuồng trại sạch sẽ… Từ năm 2019 đến nay, gia đình luôn duy trì đàn gà khoảng 6 nghìn đến 7 nghìn con/năm. Mỗi năm, gia đình tôi xuất trên 12 tấn gà, tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Không chỉ vậy, để phát triển chăn nuôi gà thương phẩm, trong giai đoạn 2018 – 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ 3 hộ mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo hướng hàng hoá với tổng kinh phí khoảng 600 triệu đồng. Trong năm 2020, UBND xã còn tạo điều kiện cho các hộ dân làm mô hình kinh tế tham quan học hỏi phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Nhờ đó, từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân bắt đầu chuyển dần sang chăn nuôi với quy mô lớn. Hiện mô hình chăn nuôi gà thương phẩm được nhân rộng tại 10 hộ, quy mô từ 500 đến 600 con, điển hình: hộ ông Nông Văn Hành (thôn Kim Chòi), Vũ Văn Hùng, Hoàng Thị Bạch (thôn Đồng Heo), Nguyễn Thị Hảo (thôn Cóc Dĩ)… Ngoài ra, toàn xã đã có 1 trang trại khép kín và 3 mô hình chăn nuôi nông hộ quy mô khoảng 6 nghìn con tại các thôn: Làng Cần, Cóc Dĩ, Kim Chòi. Hiện nay, tổng đàn gà trên địa bàn xã khoảng 45 nghìn con, thu nhập trung bình các hộ đạt từ 250 đến 500 triệu đồng/năm. Để chăn nuôi an toàn và hiệu quả, từ sự hướng dẫn của thú y viên xã, các hộ dân chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm như: thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ…
Bà Vũ Hoàng Thuý, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăn nuôi gà thương phẩm đang là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi gà với quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học.
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm đang là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả tại địa phương. Để phát triển chăn nuôi bền vững, ngoài định hướng, hỗ trợ, cấp uỷ, chính quyền xã đang tập trung tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trong chăn nuôi, tạo thị trường tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Ý kiến ()