Thông qua đó, người dân đã được nâng cao nhận thức, có ý thức về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên tình trạng khai thác nhựa thông non ở xã vẫn còn phổ biến. Ông Bàn cho biết thêm: Tỷ lệ hộ nghèo của xã có trên 29,7%, trong đó nhiều hộ nghèo chủ yếu trông chờ vào rừng để sống. Hiện nay, tình trạng lấy nhựa thông non chủ yếu là hộ nghèo, họ vì cái ăn, cái mặc hàng ngày.
LSO-Những năm gần đây, phát triển kinh tế đồi rừng có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống của người dân xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, đặc biệt là cây thông đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, tình trạng khai thác nhựa thông non đang thực sự gây lãng phí tài nguyên rừng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý khai thác rừng, hướng tới hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững.
|
Mô hình rừng bạch đàn ở xã Thụy Hùng (Văn Lãng) – Ảnh: Mai Hoa |
Ông Vi Văn Ba, người dân thôn Nà Toản cho biết: Trồng rừng từ năm 1994, đến năm 2006, gần 10ha rừng thông đã cho gia đình ông những giá trị kinh tế thấy rõ từ khai thác nhựa. Đặc biệt là trong hai năm 2007 và 2008, với giá cao, được hơn 40 ngàn đồng/kg, gia đình ông đã có nguồn thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Cũng như gia đình ông Ba, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông Quan có diện tích từ 5- 10 ha thông đều có thu nhập cao từ khai thác nhựa. Thực tế, giá trị kinh tế từ khai thác nhựa thông đã giúp hàng trăm hộ dân của xã Đông Quan thoát nghèo, nâng cao đời sống. Thôn, bản từng ngày đổi mới, phát triển, nhà nhà có tivi, tủ lạnh, xe máy, các phương tiện phục vụ sản xuất như máy cày, máy bơm, máy xay xát, nhà gạch kiên cố, khang trang…
Ông Vi Văn Bàn, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Đáng mừng nhất là nhân dân xã đã biết bám đất, bám rừng để phát triển kinh tế nên tình trạng dân làng bỏ nhà đi làm thuê giảm hẳn, chỉ còn một số hộ ít đất, ít rừng mới nghĩ đến ra ngoài làm ăn. Hiệu quả rõ rệt, nhưng lại buồn lo vì lẽ nhiều người dân chỉ ham lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lâu dài. Vì tính ra, cứ trung bình thông trồng phải sau 15 năm tuổi mới được khai thác nhựa. Khai thác nhựa trong khoảng 5- 7 năm sẽ khai thác lấy gỗ là đảm bảo giá trị kinh tế nhất. Nếu khai thác thông non, thì chỉ có thể khai thác được khoảng 4 năm, mà lượng nhựa được rất ít, sau đó cây không thể phát triển, phải lấy gỗ sớm trong khi thân gỗ nhỏ, giá trị kinh tế không cao, sẽ rất khó bán. Tình trạng đó làm suy giảm hiệu quả kinh tế của rừng, hơn thế nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển rừng của xã.
Toàn xã có hơn 700 ha rừng thông, hiện có hơn 40% diện tích thông đã bị lấy nhựa khi cây chưa đến tuổi khai thác, cây kém phát triển. Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 2009 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực trong quản lý khai thác rừng. Trong đó, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân thông qua các hội nghị của xã, các buổi họp thôn, bản, sinh hoạt của tổ chức hội… Các cuộc tuyên truyền đã tập trung phổ biến về mục tiêu trồng và phát triển rừng, hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi, tập huấn về cách bảo vệ, phòng chống cháy rừng… gắn với tình hình của địa phương.
Thông qua đó, người dân đã được nâng cao nhận thức, có ý thức về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên tình trạng khai thác nhựa thông non ở xã vẫn còn phổ biến. Ông Bàn cho biết thêm: Tỷ lệ hộ nghèo của xã có trên 29,7%, trong đó nhiều hộ nghèo chủ yếu trông chờ vào rừng để sống. Hiện nay, tình trạng lấy nhựa thông non chủ yếu là hộ nghèo, họ vì cái ăn, cái mặc hàng ngày.
Do vậy, để chấm dứt tình trạng khai thác thông non, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã đã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp, tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, vận động các hộ nghèo tham gia tập huấn đầy đủ. Đồng thời, tạo điều kiện về vay vốn và tích cực hướng dẫn người dân sử dụng vốn, áp dụng kĩ thuật trong gieo trồng, chăn nuôi. Từ đó, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Có như vậy, về lâu dài mới đảm bảo khai thác rừng hợp lý, phát triển rừng của xã mới phát huy hiệu quả.
Lâm Như
Ý kiến ()