Đông Nam bộ: Triển khai mô hình tưới phun tự động
Hệ thống phun tưới tự động đang được các hộ nông dân ở khu vực Đông Nam bộ áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Nhờ có hệ thống tưới phun tự động này, các diện tích trồng cây trái đạt năng suất cao và chi phí sản xuất giảm khá nhiều so với dùng nhân công lao động. Mô hình tưới phun tự động ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai (Ảnh: K.V)* Bình Dương:Hệ thống phun tưới tự động đã được ứng dụng từ 5 - 6 năm nay ở Bình Dương nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhiều địa phương ở Bình Dương đã có đến khoảng 90% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn ứng dụng hệ thống phun tưới tự động. Hiện tỉnh này có diện tích vườn cây ăn trái đặc sản khá lớn, trong đó có nhiều vườn cây giá trị kinh tế cao như: bưởi, cam, quýt... Nhiều hộ trồng cây ăn trái của bà con nông dân tại các huyện như: Tân Uyên, Bến Cát, thị xã Dĩ An, Thuận An…. đã lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho những vườn cây rộng...
Hệ thống phun tưới tự động đang được các hộ nông dân ở khu vực Đông Nam bộ áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Nhờ có hệ thống tưới phun tự động này, các diện tích trồng cây trái đạt năng suất cao và chi phí sản xuất giảm khá nhiều so với dùng nhân công lao động.
Mô hình tưới phun tự động ở thành phố Biên Hòa – Đồng Nai |
* Bình Dương: Hệ thống phun tưới tự động đã được ứng dụng từ 5 – 6 năm nay ở Bình Dương nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nhiều địa phương ở Bình Dương đã có đến khoảng 90% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn ứng dụng hệ thống phun tưới tự động. Hiện tỉnh này có diện tích vườn cây ăn trái đặc sản khá lớn, trong đó có nhiều vườn cây giá trị kinh tế cao như: bưởi, cam, quýt…
Nhiều hộ trồng cây ăn trái của bà con nông dân tại các huyện như: Tân Uyên, Bến Cát, thị xã Dĩ An, Thuận An…. đã lắp đặt hệ thống phun tưới tự động cho những vườn cây rộng hàng chục ha, những vòi phun nước tự động tưới mà không cần người đứng vận hành.
Theo một hộ trồng cây trái ở Tân Định- Tân Uyên, việc lắp đặt hệ thống phun tưới tự động này khá dễ dàng, nguyên liệu cũng dễ mua. Với 10 ha trồng cây ăn trái, chỉ bỏ ra 180 triệu đồng là có thể xây dựng được hệ thống tưới phun tự động. Hệ thống này gồm 1 trục ống đi giữa với các van đóng, mở và các trục ống rẽ 2 bên được gắn các béc phun tự động. Do sức ép của nước mà các béc phun này xoay tròn và phun đều thành một khoảng tròn có bán kính cỡ 5m. Trung bình 1 ha có thể lắp đặt từ 250 – 300 béc phun và 1 mô tơ điện khoảng 1,5 mã lực dùng để bơm nước từ giếng vào trục ống chính. Tùy theo từng loại cây trồng và cách thiết kế riêng của nhà vườn mà số lượng các béc phun có thể tăng, giảm trên 1 diện tích đất.
Hệ thống phun tưới tự động này có thể ứng dụng cho cả các diện tích đất trên cao và hiệu quả phun tưới cũng cao gấp nhiều lần so với cách tưới ống phun thông thường. Việc ứng dụng hệ thống tưới phun tự động đã giúp cho nhiều nhà vườn tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất do giảm bớt được một cách triệt để nhân công tưới.
Ngoài ra, hệ thống phun tưới tự động còn giúp cho năng suất các vườn cây ăn trái tại đây tăng cao gấp nhiều lần do nước tưới thấm sâu hơn. Công dụng hệ thống tưới tự động này là tưới rải đều 100% diện tích vườn cây và rễ cây sẽ tiếp xúc một cách ổn định với nguồn nước tưới. Hiệu quả của việc tưới phun tự động có thể cao hơn 300 – 400% so với tưới bằng vòi phun thông thường. Hệ thống phun tưới tự động cùng với việc phủ bạt xử lý cho ra hoa trái vụ đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng suất vườn cây vượt xa gấp nhiều lần so với cách tưới truyền thống.
* Đồng Nai: Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 4.500 hécta cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống, đa số là cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày, như: xoài, chôm chôm, sầu riêng, cà phê và tiêu.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giảm được 80% công tưới và bón phân hóa học, tiết kiệm 50% lượng nước tưới. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phụ thuộc vào khu vực và loại cây trồng, dao động ở mức 20-35 triệu đồng/hécta. Cây trồng được lắp đặt hệ thống này năng suất tăng từ 30-80%, chất lượng trái đẹp và đồng đều hơn. Do đó, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, chỉ sau từ 1 đến 2 năm nông dân có thể thu hồi vốn. Tại các địa phương có diện tích trồng rau sạch lớn như: Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu… rất nhiều hộ nông dân đã đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Hộ, người trồng rau sạch ở phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa thì từ khi áp dụng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất, 1000 mét vuông vườn của ông đã cho hiệu quả kinh tế gấp gần hai lần tưới thủ công, nguyên nhân là do tiết kiệm được nguồn nhân công, tránh lãng phí nước, điện và đặc biệt là phân bón. Đồng thời năng suất rau cũng tăng, đảm bảo kịp thời vụ để bán ra thị trường.
* Bình Phước: Mới đây, Hội nông dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức điểm lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tại huyện Bù Đăng. Việc lắp đặt này được thực hiện thí điểm tại mô hình trồng cây ca cao xen dưới tán cây điều của hộ ông Nguyễn Văn Tất thôn 7, xã Đức Liễu, Bù Đăng.
Việc thực hiện lắp đặt thí điểm này nhằm thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị các bước để xây dựng dự án đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên địa bàn tỉnh. Theo đơn vị cung cấp sản phẩm, hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời đã triển khai thực hiện thành công cho hơn 10.000 nông dân ở Sri Lanka. Việc áp dụng hệ thống tưới nước này sẽ tiết kiệm năng lượng cung cấp cho máy bơm, vì sử dụng trực tiếp bằng điện năng lượng mặt trời. Thêm vào đó, người nông dân không phải tốn công tưới, vì hệ thống sử dụng hệ thống các vòi bơm tự động, lắp cố định; cây trồng luôn giữ được độ ẩm thích hợp và cho năng suất, sản lượng cao hơn so với tưới thông thường.
Trước đó, đơn vị này đã trình diễn mô hình thí điểm tại hộ nông dân ở xã An Phú, thị xã Bình Long trên diện tích 7.000 mét vuông trồng cây hồ tiêu. Sau khi áp dụng hệ thống tưới này, hộ nông dân nói trên đã thu được 1,9 tấn tiêu/năm thay vì 1 tấn so với tưới thông thường.
* Bình Thuận: Hiện nay, nhiều hộ trồng thanh long ở Bình Thuận đã đưa vào sử dụng hệ thống tưới tự động cho cây thanh long. Do loại trái cây thanh long ở địa phương này bước đầu vào thị trường Mỹ nên các hộ nông dân cần phải đảm bảo trồng thanh long theo hướng sạch, an toàn, mới có thể đạt được một số tiêu chuẩn khó khăn như VietGap, EuroGap… trong đó kỹ thuật tưới nước và bón phân cho thanh long theo đúng quy trình sẽ là một trong những tiêu chí góp phần giúp cây phát triển an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, nhiều trang trại trồng thanh long lớn hoặc các hộ nông dân trồng và sản xuất thanh long có quy mô, đã đầu tư hệ thống tưới chuyên dụng tự động và bán tự động để phục vụ cho việc tưới tiêu và bón phân theo đúng định lượng yêu cầu. Theo ông Trần Văn Minh, hộ trồng thanh long ở Hàm thuận Bắc thì sử dụng hệ thống tưới này, người trồng thanh long sẽ giảm thiểu được chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian và điện năng tiêu thụ khi tưới nước cho vườn thanh long. Trong khi đó nếu tưới nước cho thanh long bằng các biện pháp thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian và không đảm bảo đủ lượng nước và phân cần thiết cho cây.
Khi sử dụng hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động, với vòi phun nhỏ giọt có gắn với bộ lọc nước và hệ thống châm phân tự động, có thể kiểm soát được lượng phân và nước mà không cần có người can thiệp sẽ giúp cho cây nông nghiệp nói chung và cây thanh long nói riêng thẩm thấu phân và nước một cách nhanh chóng và đúng định lượng nhất. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, hệ thống này có thể tưới được khoảng 2 ha cây trồng, đảm bảo tưới nước đúng thời điểm thích hợp, giúp cây quang hợp tốt nhất.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()