Đông Nam Bộ - mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Năm 2015 là một năm các địa phương khu vực Đông Nam Bộ có được nhiều thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Không chỉ thu hút đầu tư bằng mọi giá, các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc vào địa bàn.
Khu vực có sức hút đầu tư lớn nhất cả nước
Thành phố Hồ Chí Minh, mảnh đất luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: K.V)
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2015, thành phố này đã thu hút được thêm 4,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 47% so với cùng kỳ, qua đó nâng tổng số đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn trên địa bàn thành phố lên hơn 40,5 tỷ USD với 5.765 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Chỉ tính riêng trong năm 2015, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có 566 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,87 tỷ USD, so cùng kỳ năm 2014 đã tăng 31,9% về số dự án và tăng 0,8% về vốn. Ngoài ra, có 181 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 826,3 triệu USD. Trong đó, nhiều dự án lớn, góp phần làm thay đổi hạ tầng cũng như tạo nên bộ mặt mới cho Thành phố.
Theo ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, với những chính sách ưu đãi về thuê đất đai, nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động với 22,5% trong tổng lực lượng lao động của Thành phố, đồng thời góp phần nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, thu hút lực lượng chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, có kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Là địa phương nằm tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai cũng đang là một trong những địa phương thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua. Năm 2015, địa phương này đã thu hút đầu tư nước ngoài được hơn 2,42 tỷ USD. Các dự án cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. So sánh với các năm trước, năm 2015 được xem là năm thành công của các khu công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc cho thuê đất tại các khu công nghiệp đạt 377 ha, vượt kế hoạch 100 ha. Các khu công nghiệp mới, như Long Khánh, Dầu Giây, Hố Nai, Suối Tre, Nhơn Trạch 6, An Phước, Lộc An – Bình Sơn, Giang Điền đã thu hút được các dự án đầu tư khá tốt. Một số công ty lớn cũng đã đến đầu tư, như Công ty Green Guard Industrial 39 ha ở Khu công nghiệp Suối Tre; dự án dệt nhuộm Hàn Quốc 75 ha trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 hay dự án mở rộng nhà máy sản xuất của Công ty Kenda 42 ha tại Khu công nghiệp Giang Điền. Tập đoàn Kenda và Công ty Osaka Fuji Việt Nam là 2 doanh nghiệp nằm trong số 186 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng vốn ở Đồng Nai trong năm 2015. Điểm nổi bật là những dự án này đều thuộc các nhóm, ngành nghề ưu tiên thu hút vốn đầu của tỉnh về công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện môi trường…
Cùng với thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tỉnh Bình Dương cũng đang là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong tam giác kinh tế trọng điểm này. Với hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2015, Bình Dương đã chứng tỏ luôn đứng trong tốp đầu của cả nước trong lĩnh vực này. Để có được những kết quả trên, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng các chương trình, nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; luôn sâu sát, lắng nghe và kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư; tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất quan trọng là sự đồng thuận của nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng dự án. Chủ trương nhất quán của tỉnh là phải đền bù giải tỏa sát với giá thị trường, quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu tái định cư, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tái hòa nhập và tham gia làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; sinh sống theo nếp sống đô thị, văn minh trong các khu dân cư đô thị mới với nhiều tiện ích phục vụ ngày càng tốt hơn. Bình Dương đã đi đầu với chính sách “trải thảm đỏ” thu đầu tư. Những thành công bước đầu đã nâng tầm Bình Dương trở thành mô hình kiểu mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh này đã vương lên vào tốp 5 những tỉnh, thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt 20 tỷ USD.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Thu hút công nghiệp phụ trợ đang là ưu tiên số 1 ở Đông Nam bộ. (Ảnh: K.V)
Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, với lợi thế phát triển kinh tế biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo đạo địa phương này, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào chất lượng dự án, tỉnh đã thay đổi phương thức thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao với hàng loạt các tiêu chí đề ra như: bảo đảm môi trường, sử dụng ít năng lượng, nhân công. Đặc biệt, không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông; các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Theo đó, chỉ những dự án đầu tư nào đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững về kinh tế và đảm bảo các tiêu chí bảo vệ môi trường thì mới mời gọi, những dự án nào đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh thì phải xem xét, thậm chí phải kiên quyết từ chối.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Để Bà Rịa-Vũng Tàu thành nơi lý tưởng thu hút đầu tư thì vấn đề bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái phải đặc biệt coi trọng. Chúng tôi đã trả giá quá nhiều cho việc phát triển quá nóng trong giai đoạn trước đây, thu hút cả những dự án gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường, nên bây giờ phải cẩn trọng. Không thể vì sự tăng trưởng trước mắt mà tiếp tục để môi trường bị hủy hoại bởi các dự án chế biến hải sản, dự án thép, dự án chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh… Năm 2015, Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp nhận đầu tư nước ngoài quá khiêm tốn so với các địa phương khác. Không phải các nhà đầu tư không tìm đến Bà Rịa – Vũng Tàu mà là vì tỉnh đã chọn lọc, từ chối những dự án đầu tư không đảm bảo về quy mô, công nghệ chế biến, quy trình xử lý nước thải, chất thải phù hợp với các tiêu chí bảo vệ môi trường”.
Còn theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thu hút đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, Thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, bình đẳng và minh bạch các quy định của chính sách pháp luật Việt Nam đối với tất cả các nhà đầu tư. Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, việc thu hút đầu tư đang đi vào có chọn lọc cao. Theo đó, trong thời gian tới ngoài các tiêu chí từ chối thu hút đầu tư như ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động thì việc sử dụng nhiều diện tích đất cũng sẽ được xem xét để đảm bảo tính hiệu quả sử dụng tài nguyên đất.
Cùng với các địa phương trong khu vực, tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy mạnh hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từng bước hình thành và phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn ra thị trường. Phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng việc đầu tư hàng loạt các công trình văn hoá – xã hội như bệnh viện đa khoa 1.500 giường, các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viên đa khoa Quốc tế miền Đông, bệnh viện phụ sản – nhi Hạnh Phúc, bệnh viện Colombia, trường đại học Thủ Dầu Một, trường đại học quốc tế miền Đông, trường đại học Việt – Đức,…
Có thể khẳng định, với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài mà các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đã và đang thực hiện, những năm tiếp theo, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài với hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị xuất khẩu…sẽ tiếp tục được đầu tư ạnh vào khu vực này, góp phần phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương và đất nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()