Đồng Nai: Tập trung đào tạo nghề cho lao động ở 34 xã điểm nông thôn mới
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng ban Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cho biết: Năm 2014 các huyện, thị, thành phố sẽ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng 34 xã điểm nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Trưởng ban Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cho biết: Năm 2014 các huyện, thị, thành phố sẽ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng 34 xã điểm nông thôn mới. Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn, năm 2014 và những năm tiếp theo, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện đề án nhưng tập trung vào những nghề mà nông dân đang sinh sống, hỗ trợ họ kiến thức, kỹ năng để làm nghề và sống được bằng nghề. Tỉnh tập trung vào các nghề trọng điểm như trồng trọt, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê, may công nghiệp… vừa phục vụ tại chỗ, vừa cung cấp nguồn lao động dịch chuyển cho doanh nghiệp. Đồng thời,tỉnh cũng hạn chế những nghề không phù hợp với khu vực nông thôn để nâng cao hiệu quả của đề án, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập, nhất là đối tượng nghèo. Vì vậy, thực hiện Đề án 1956, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã đào tạo trên 20.000 lao động nông thôn, hơn 80% có việc làm ngay sau khi đào tạo. Đặc biệt, kết quả khảo sát nhanh mới đây cho thấy đã có hơn 40% số lao động được đào tạo có việc làm ngay bằng chính nghề cũ như may gia công, nhận may hàng xuất khẩu, trồng trọt, chăn nuôi gà thả vườn, nghề thủ công truyền thống. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, điển hình là huyện Định Quán. Trung tâm dạy nghề của huyện thường xuyên duy trì các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn các nghề hàn, điện, may công nghiệp, trồng nấm, các lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thả vườn, trồng cam, quýt…Đặc biệt, nghề làm tranh thúc đồng lần đầu tiên được triển khai đào tạo tại Trung tâm đã đạt kết quả tốt, các sản phẩm của học viên được doanh nghiệp nhận tiêu thụ. Người học nghề tranh thúc đồng sau khi hoàn thành chương trình học khi đi làm có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Định Quán cho biết: Sau 3 năm triển khai Đề án 1956, đã có gần 4.000 người lao động ở các xã được đào tạo nghề, trong đó có hơn 1.000 người được đào tạo các nghề phi nông nghiệp. Trong gần 4 năm thực hiện Đề án 1956, Đồng Nai đã đào tạo gần 3.000 cán bộ công chức cấp xã, trong đó có gần 90% phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để tạo thuận lợi cho lao động nông thôn đi học nghề, mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã bổ sung thêm hai đối tượng được vay vốn học nghề là bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi như hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại khi lao động nông thôn tham gia học nghề sẽ tạo hiệu quả để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thực sự có chất lượng. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()