Ðồng Nai phát triển chăn nuôi bền vững
Trang trại chăn nuôi gà của ông Trần Văn Lượng tại Tây Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Hướng đến mục tiêu chăn nuôi an toàn và bền vững, Đồng Nai đã quy hoạch 139 vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung với gần 16 nghìn ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, chủ trương này vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, do nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.Hiệu quả từ mô hình điểmĐồng Nai có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước (1,2 triệu con lợn, 10 triệu con gà), trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 17 nghìn tấn thịt lợn, hai nghìn tấn thịt gà và hàng triệu trứng gà. Tuy được xem là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, nhưng nhìn chung tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (gần 50%), là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2008, Đồng Nai quy hoạch 139 vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung...
Trang trại chăn nuôi gà của ông Trần Văn Lượng tại Tây Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. |
Hiệu quả từ mô hình điểm
Đồng Nai có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước (1,2 triệu con lợn, 10 triệu con gà), trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 17 nghìn tấn thịt lợn, hai nghìn tấn thịt gà và hàng triệu trứng gà. Tuy được xem là địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi, nhưng nhìn chung tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (gần 50%), là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2008, Đồng Nai quy hoạch 139 vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung (KKCNTT) ở chín huyện. Các vùng chăn nuôi ở xa khu dân cư, đất đai cằn cỗi, trồng cây nông nghiệp mang lại hiệu quả thấp. Theo đó, diện tích làm chuồng trại chăn nuôi gia súc không vượt quá 25%, chăn nuôi gia cầm không vượt quá 40% so tổng diện tích của từng trang trại. Diện tích còn lại phải trồng cây xanh để bảo vệ môi trường.
Trong 139 vùng KKCNTT, Đồng Nai chọn vùng chăn nuôi Tây Bạch Lâm (rộng 108 ha), xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất làm điểm và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi. Với trang trại 15 nghìn con gà và một nghìn con lợn, ông Trần Văn Lượng áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, mỗi năm lợi nhuận mang về hơn 1,5 tỷ đồng. Đã bốn năm nay, kể từ khi vào vùng KKCNTT Tây Bạch Lâm, trang trại của ông chưa bao giờ bị dịch bệnh. Không chỉ riêng ông, 27 hộ chăn nuôi khác trong vùng ngày càng ăn nên làm ra, trung bình mỗi trang trại thu lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Ông Lượng cho biết: “Việc quy hoạch vùng KKCNTT là chủ trương đúng, 28 hộ chăn nuôi trong vùng quy hoạch được các ban, ngành rất quan tâm, tạo điều kiện. Về kỹ thuật chăn nuôi, huyện Thống Nhất cử cán bộ về hướng dẫn, đồng thời đứng ra thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi Tây Bạch Lâm cho tất cả các hộ trong vùng quy hoạch chăn nuôi. Qua đó, các trang trại đã trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, cũng như về vốn cho nên bốn năm qua, dịch bệnh không xảy ra, còn môi trường được quản lý tốt, bảo đảm theo quy định”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Huỳnh Thành Vinh khẳng định: “Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ chăn nuôi đầu tư vào vùng KKCNTT. Có như vậy mới tập trung các hộ chăn nuôi về từng vùng để giám sát dịch bệnh, môi trường để từng bước tạo ra chuỗi an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, qua bốn năm triển khai, các hộ chăn nuôi vào đầu tư ở các vùng KKCNTT trên toàn tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến nay, mới có 370 trang trại chăn nuôi, trong đó chỉ có 41 trang trại đầu tư mới (số còn lại đã chăn nuôi trước khi quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung) ở 48 vùng chăn nuôi trong tổng số 139 vùng đã được quy hoạch. Hiện còn hơn 1.500 trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch, chưa tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình
Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn quy hoạch vùng KKCNTT. Đây là mô hình còn mới nên trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Hùng đầu tư trang trại nuôi lợn với quy mô hơn một nghìn con vào vùng KKCNTT ấp Lê Lợi 3, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất đã được ba năm nay. Do chưa có điện, ông phải tận dụng chiếc máy cày chạy phát điện phục vụ việc chăn nuôi lợn của mình. Ông nói: “Từ khi có quy hoạch vùng chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi ở khu vực này rất phấn khởi. Tuy nhiên, do điện chưa có nên các hộ chăn nuôi chưa mặn mà đầu tư trang trại, nếu chạy máy nổ phát điện thì rất tốn dầu, chi phí đầu vào lại tăng”.
Do quy hoạch xa khu dân cư nên đường vào các vùng chăn nuôi cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Theo thống kê, trong 139 vùng KKCNTT, hơn một nửa trong số này chưa có điện và đường. Các vùng còn lại đầu tư cũng chưa được đồng bộ, đây là rào cản lớn để thu hút các hộ chăn nuôi đầu tư vào các vùng quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc đầu tư một trang trại theo đúng quy định ở các vùng chăn nuôi tập trung cần có vốn lớn. Để đầu tư mới trang trại nuôi lợn quy mô 150 lợn nái, gần một nghìn con lợn thịt ở vùng KKCNTT ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, ông Huỳnh Ngọc Sơn phải bỏ ra hơn năm tỷ đồng. Ông cho biết: “Chỉ có các hộ chăn nuôi lớn, có vốn nhiều mới có thể đầu tư vào đây được. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có vốn để đầu tư mới ở các vùng quy hoạch tập trung”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, chi phí xây dựng cơ bản một trang trại chăn nuôi lợn thịt 10 nghìn con cần khoảng 20 tỷ đồng; trang trại nuôi gà thịt quy mô 50 nghìn con khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ di dời để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi chưa được ban hành cụ thể, người chăn nuôi chưa được hưởng lợi về vấn đề này. Nằm trong diện buộc phải di dời chăn nuôi lợn ra khỏi khu dân cư, ông Nguyễn Văn Thuận ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc hết sức lo lắng. Theo ông, cũng như 50 hộ chăn nuôi tại huyện Xuân Lộc thuộc diện phải di dời, chủ trương này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để việc di dời một cơ sở chăn nuôi không phải là điều đơn giản, nằm ngoài khả năng của họ. Ông Thuận phân tích: “Đầu tư một trang trại nuôi lợn quy mô gần một nghìn con phải cần hàng tỷ đồng. Ngoài việc xây dựng chuồng trại theo hướng công nghiệp, còn phải bỏ tiền ra mua đất. Nhà nước chỉ quy hoạch từng vùng, còn đất đai trong các vùng quy hoạch thì người chăn nuôi phải tự thỏa thuận mua lại của các hộ dân. Giá đất bây giờ thấp nhất cũng hơn 500 triệu đồng/ha, có nơi hơn một tỷ đồng mới mua được, so trước khi quy hoạch tăng từ 20 đến 30%. Trong khi đó, gia đình tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc nuôi lợn với quy mô khoảng 200 con, nếu ngừng nuôi lợn gia đình tôi lấy gì để sống”.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai Phan Minh Báu thừa nhận: “Việc triển khai các vùng KKCNTT còn chậm, chưa đồng bộ. Mặc dù còn nhiều vấn đề giải quyết, nhưng trước mắt ngành sẽ kiến nghị với tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, ban hành chính sách hỗ trợ di dời cho các hộ chăn nuôi, đồng thời kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn lực như: của người dân, các dự án nước ngoài làm cơ sở để di dời các hộ chăn nuôi vào vùng khuyến khích”.
Mục tiêu Đồng Nai đưa ra đến năm 2015 là nâng tổng đàn lợn lên 1,8 triệu con với sản lượng thịt 200 nghìn tấn/năm, chăn nuôi trang trại chiếm 70%; đàn gà 11 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm 90%. Đồng thời xây dựng bốn chuỗi sản phẩm: thịt lợn, thịt gà, trứng gà an toàn và 100% sản phẩm chăn nuôi tham gia chuỗi sản phẩm an toàn truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, phải tháo gỡ những vướng mắc đang nảy sinh trong quá trình triển khai ở vùng KKCNTT. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra cả nước, đưa nền chăn nuôi nước ta theo hướng phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()