Đồng Nai: Phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, địa phương này hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 9.559 hécta, trong đó đã cho thuê hơn 4.300 hécta, đạt gần 68% diện tích.
Một góc Khu công nghiệp Nhơn Trạch- Đồng Nai |
Hiện, Đồng Nai còn hơn 2 nghìn ha của các khu công nghiệp cần cho thuê. Dự tính đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 34 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Do các khu công nghiệp của Đồng Nai đều nằm ở vị trí thuận lợi cho việc cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc và giao thông vận tải nên thu hút được khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào. Tính đến nay, toàn tỉnh có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.336 dự án.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là về các lĩnh vực như cấp phép đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với khẩu hiệu hành động: “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” và “Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp”, tỉnh Đồng Nai đã thể hiện ý chí trong thu hút và nuôi dưỡng sự phát triển các doanh nghiệp có vốn đầu tư trên địa bàn.
Chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được thể hiện rõ qua việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày được rút ngắn chỉ còn từ 3 đến 5 ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong 1 ngày. Theo ý kiến chung của các nhà đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Đồng Nai, trong quá trình hoạt động có trên 90% doanh nghiệp tăng vốn.
Theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tỉnh này sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh, tập trung vào sử dụng các nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguyên liệu từ nông nghiệp; hướng đầu tư vào các dự án sản xuất có trình độ công nghệ cao không gây ô nhiễm và sử dụng ít lao động; thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính để đầu tư vào những ngành kỹ thuật có giá trị gia tăng cao như: máy móc thiết bị điện – điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, vật liệu mới; công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới cũng sẽ được chú ý phát triển để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất trong nước.v.v..
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghệ sinh học và ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp; duy trì các ngành có lợi thế về xuất khẩu như: dệt may, da giày, tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất này sẽ chuyển dần từ hình thức gia công sang sản xuất trực tiếp nhằm gia tăng giá trị hàng hóa.
Mục tiêu trong năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai dự kiến sẽ đạt trên 200 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này đạt khoảng 16%/năm. Trong đó, tăng trưởng ở khu vực công nghiệp nhà nước trung ương khoảng 10%/năm, tương đương 15 nghìn tỷ đồng; công nghiệp nhà nước địa phương là 12%/năm đạt trên 5.700 tỷ đồng; khu vực dân doanh là 18%/năm đạt trên 29 nghìn tỷ đồng và đầu tư nước ngoài là 16,5%/năm đạt khoảng 154 nghìn tỷ đồng .
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()