Đồng Nai: Phấn đấu năm 2014 đạt giá trị sản xuất nông nghiệp trên 27 nghìn tỷ đồng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm 2014, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương này phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3,6%, với giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản là trên 27 nghìn tỷ đồng.
Mô hình trồng cà phê ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai (Ảnh: K.V) |
Mặc dù trong năm 2014, ngành nông nghiệp của Đồng Nai sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như giá cả vật tư đầu vào tăng, thời tiết bất thường, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi luôn đe dọa, giá nông sản bấp bênh, nhưng với quyết tâm của toàn ngành, mục tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 27 nghìn tỷ đồng được các địa phương quyết tâm với mức cao nhất.
Trong năm 2014, ngành Nông nghiệp Đồng Nai cũng phối hợp với các địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị trên cùng một diện tích. Đồng thời, tìm các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa để đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 20 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Được biết, trong năm 2013, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của toàn tỉnh đạt 26,3 ngàn tỷ đồng; cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch đúng hướng, nông dân từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để năng thu nhập; ngành chăn nuôi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh đều tăng.
Thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đưa vào chăn nuôi, gieo trồng các loại cây, con giống mới, chất lượng, năng suất cao. Nhiều loại cây ăn quả đã được xuất khẩu đi nước ngoài và có thị trường ổn định như xoài, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, cà phê, tiêu.v.v…
Theo đó, những loại cây chủ lực được trồng theo vùng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, như tại huyện Vĩnh Cửu đã phát triển hai cây trồng chủ lực của địa phương là bưởi và xoài, với tổng diện tích trồng bưởi của huyện hiện có 731 ha, trong đó trồng mới được 183 ha. Cây xoài là trên 2 nghìn ha, với 320 ha trồng mới. Trong đó, gần 28 ha bưởi tại xã Tân Bình và trên 27 ha xoài tại xã Phú Lý đều được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện Vĩnh Cửu cũng đang tập trung xây dựng vùng trồng chuối nguyên liệu Nam Mỹ tại xã Hiếu Liêm với quy mô dự án có tổng diện tích trồng mới khoảng 100 ha. Dự án này được đánh giá phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương, hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ngoài ra, toàn huyện Vĩnh Cửu hiện có 1.500 ha cây trồng được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, trình độ thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ.
Để phát triển cây trồng chủ lực, huyện Định Quán cũng đã được hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng cho chương trình này. Được biết, huyện Định Quán có 39.298 ha đất nông nghiệp, diện tích trồng cây lâu năm là 28.622 ha. Trong đó, 2 loại cây được chọn là cây trồng chủ lực, là cây xoài với diện tích 5.579 ha và cây cà phê có diện tích là 4.463 ha.
Thời gian qua, huyện đã triển khai cho 83 hộ nông dân thực hiện trên 69 ha các loại cây trồng chủ lực với tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, nông dân được hỗ trợ tiếp cận các giống cây trồng có cho năng suất, chất lượng cao, được ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, góp phần hình thành vùng chuyên canh tập trung, phù hợp với lợi thế điều kiện đất đai trên địa bàn.
Ngoài những cây trồng chủ lực trên, đến nay, tỉnh Đồng Nai cũng đã phát triển được hơn 20.800 ha cà phê. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này, đến nay, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã phát triển được hơn 20.800 hécta, tăng hơn 1.500 hécta so với đầu năm 2013, trong đó có khoảng 18.600 hécta đang thời kỳ cho quả, số còn lại là trồng mới với năng suất bình quân đạt khoảng 1,9 tấn/ha/năm.
Cà phê là một trong 6 cây chủ lực của tỉnh Đồng Nai nên những hộ trồng mới hoặc thâm canh sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để trồng và chăm sóc, nhằm tạo ra vùng chuyên canh, đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn. Diện tích trồng cà phê của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và thị xã Long Khánh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()