Đồng Nai loại khỏi quy hoạch các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư
UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để rà soát đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để rà soát đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, Đồng Nai có 37 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.900 ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ 2 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng là cụm công nghiệp Gốm Tân Hạnh và Vật liệu xây dựng Hố Nai 3. Bên cạnh đó, cũng chỉ có 12 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, còn lại 23 cụm công nghiệp vẫn chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp triển khai rất chậm do các công ty gặp khó khăn về tài chính. Các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng hiện đang tích cực kêu gọi đầu tư, tuy nhiên việc thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong thời điểm hiện này là rất khó khăn.
Ngoài ra, nguyên nhân chính làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không mặn mà đầu tư vào cụm công nghiệp là do vướng mắc vấn đề đền bù đất đai và việc phí hạ tầng ở các cụm công nghiệp quá cao so với thuê bên ngoài. Trong khi đó, hạ tầng ở các cụm công nghiệp lại chưa hoàn thiện, không thuận tiện cho hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa; các thủ tục thuế phí, thủ tục xây dựng cũng gây nhiều khó khăn làm chậm tiến độ.
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát lại các cụm công nghiệp nào chưa có chủ đầu tư hoặc đầu tư không hiệu quả để loại bỏ khỏi quy hoạch, chỉ giữ lại những cụm công nghiệp đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững như dễ giải phóng mặt bằng; giao thông thuận tiện; không tác động xấu tới môi trường; có thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Song song đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng để thu hút nhà đầu tư và tham gia tổ chức hạ tầng với những cụm công nghiệp đã phê duyệt, không để tồn tại những cụm công nghiệp đã quy hoạch nhưng không có tổ chức đầu tư hạ tầng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()