Trong nhiều năm qua, Đồng Nai đã nỗ lực không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư hoạt động. Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, Đồng Nai tiếp tục khẳng định vị thế của một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đồng thời, tiếp tục khẳng định, là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước.
Những con số ấn tượng
Trong 5 năm qua, Đồng Nai có thêm 10 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch xây dựng, nâng tổng số KCN được Chính phủ phê duyệt toàn tỉnh đến nay lên 30 khu, với tổng diện tích hơn 9.500 ha. Các KCN trên địa bàn đã cho thuê hơn 60% diện tích đất, thu hút 823 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 12,5 tỷ USD đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến cuối tháng 8-2010, tổng số dự án nước ngoài đầu tư tại Đồng Nai, tính luôn các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp là 981 dự án, vốn đăng ký 18,37 tỷ USD, trong đó các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao nhất tại Đồng Nai là: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, châu Âu, châu Mỹ… Ngoài ra, có 295 dự án trong nước với hơn 28.800 tỷ đồng vốn đầu tư. Các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho gần 500 nghìn lao động, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trung bình trên địa bàn trong 5 năm qua đạt 13,2%/năm, gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và gấp 1,9 lần mức trung bình cả nước. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thu hút thêm 30 dự án đầu tư mới, trong đó có 18 dự án FDI, tổng vốn cấp mới và tăng vốn đạt gần 500 triệu USD.
Các KCN phát triển thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI đã đưa kim ngạch xuất nhập khẩu cũng không ngừng tăng nhanh. Nếu như kim ngạch xuất khẩu năm 1990 chỉ có 28,6 triệu USD, thì đến năm 2009 đạt hơn sáu tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 90% và giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này luôn chiếm gần 70% tổng giá trị công nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhưng Đồng Nai vẫn thu hút nguồn vốn FDI hơn ba tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, theo hướng hiện đại, năng lực sản xuất tăng mạnh kéo theo giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 18%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp có sự dịch chuyển theo hướng tích cực với nhóm ngành công nghiệp chủ lực chiếm hơn 70% giá trị sản xuất toàn ngành và đạt mức tăng trưởng 20%/năm. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho người dân. Ước đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 29,6 triệu đồng (tương đương 1.629 USD), tăng gấp 2,1 lần so năm 2005. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế trước đây chủ yếu là nông nghiệp (chiếm hơn 50%), nay cơ cấu kinh tế của Đồng Nai tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, vững chắc với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 57,2%, thương mại dịch vụ chiếm 34,1% và tỷ trọng nông – lâm nghiệp ước giảm còn 8,7% trong năm 2010.
Tạo bước đột phá để phát triển bền vững
Mặc dù kinh tế Đồng Nai phát triển nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và còn một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Đáng quan tâm nhất là sự quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường gia tăng, sự thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lực lượng có trình độ kỹ thuật, công nhân lành nghề.
Trong nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Đồng Nai xem việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp là giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Đến nay, trong số 21 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, chỉ còn hai khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Quan điểm xuyên suốt của Đồng Nai là: Đối với các KCN chưa có trạm xử lý nước thải đưa vào hoạt động hoặc trạm xử lý nước thải đang hoạt động nhưng không bảo đảm công suất theo yêu cầu thực tế, thì không được thu hút đầu tư. Ngoài ra, trong số 123 cơ sở bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến thời điểm này, có bảy doanh nghiệp được đưa ra khỏi danh sách, hơn 50 doanh nghiệp đang làm thủ tục xin rút ra. Nếu hết thời hạn quy định cho từng doanh nghiệp, các đơn vị này chưa khắc phục hoặc cố tình không chịu khắc phục sẽ bị xử lý mạnh. Đây là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh.
Ngoài ra, Đồng Nai đang tiến hành xếp hạng các KCN trên địa bàn toàn tỉnh với mục đích công khai thứ hạng của các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ kèm theo của khu công nghiệp. Đây là cơ sở để kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các KCN để phục vụ cho công tác thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Đồng Nai khẳng định rõ quan điểm: Thời thu hút vốn FDI một cách đại trà, thiếu chọn lựa đã qua. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh chủ trương nâng chất lượng thu hút các dự án FDI, tập trung thu hút những dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, dự án có công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Cụ thể, năm 2006, thu hút dự án nhà ở, dịch vụ, công nghệ cao chiếm 29% tổng vốn đăng ký mới; đến năm 2009 chiếm 87,6%. Đồng thời xác định, phương hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai theo hướng mở rộng quy mô, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp mũi nhọn, để đến năm 2015, sản phẩm công nghệ cao và tiên tiến chiếm hơn 75% giá trị sản xuất. Đặc biệt, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng…, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Đồng Nai Bồ Ngọc Thu, nhấn mạnh: “Với vị trí là một trong các tỉnh, thành thuộc trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới, trong quy hoạch phát triển, tỉnh ưu tiên hình thành các KCN chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu liên hợp công nông nghiệp Donataba, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học, công nghiệp phụ trợ và công nghệ sạch, đồng thời tỉnh cũng khuyến khích thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ đầu tư tại các KCN. Tất cả điều đó vừa mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, vừa từng bước đưa Đồng Nai phát triển theo định hướng phát triển bền vững”. Giám đốc Sở KHĐT Đồng Nai cũng cho biết: “Để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, trong giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai dự kiến tập trung phát triển các lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp trong tỉnh, các tuyến đường kết nối vùng; phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng cao; tập trung đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho lao động, đồng thời, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển kinh tế trí thức”.
Với những chính sách đầu tư có trọng điểm để thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là về các lĩnh vực: cấp phép đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với khẩu hiệu hành động: “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” và “Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp”, tỉnh đã thể hiện ý chí trong thu hút và tạo điều kiện cho sự phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được thể hiện rõ qua việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, như việc cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày được rút ngắn chỉ còn ba đến năm ngày, cá biệt có một số dự án được cấp phép trong một ngày… Theo ý kiến chung của các nhà đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp FDI có kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Đồng Nai, trong quá trình hoạt động có hơn 90% số doanh nghiệp tăng vốn. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư thật sự tin tưởng chính sách thu hút vốn FDI của Đồng Nai.
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược để Đồng Nai tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đến năm 2020 thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu kinh tế vững chắc: công nghiệp 51%, dịch vụ 46%, nông nghiệp 3%.
Ý kiến ()