Đồng Nai đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, thiên tai
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu về tưới tiêu, ngăn mặn, ngăn lũ trong giai đoạn 2017-2020, địa phương này cần gần 3.387 tỷ đồng thực hiện các công trình.
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tỉnh này đã đầu tư mới, nâng cấp một số công trình thủy lợi để đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có những dự án lớn là: hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc), hồ Cầu Dầu (TX.Long Khánh), dự án thủy lợi phục vụ tưới vùng mía huyện Định Quán, dự án nạo vét các tuyến kênh rạch Ông Kèo để trữ nước, ngăn mặn. Riêng trong năm 2016, tỉnh Đồng Nai triển khai 78 dự án thủy lợi, trong đó có 23 dự án do cấp tỉnh làm chủ đầu tư, 55 dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các dự án thủy lợi trong tỉnh được bố trí gần 350 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn của trung ương 40 tỷ đồng, tỉnh gần 201 tỷ đồng, số còn lại là nguồn ngân sách của các địa phương.
Được biết, Đồng Nai cũng đang bị hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở một số địa phương trong tỉnh. Ngay trong đầu mùa khô, Đồng Nai đã xảy ra hàng loạt vụ mía cháy, đập thủy lợi cạn nước, nhiều vùng nông thôn thiếu nước sinh hoạt vì nguồn nước giếng khoan cạn kiệt. Hạn nặng cũng làm tình hình xâm nhập mặn ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai cao hơn nhiều so với mọi năm. Hàng nghìn ha lúa, mía bị ảnh hưởng về năng suất, một số vùng mía có nguy cơ mất trắng vì hiện nước hồ Trị An đang ở mức thấp, không thể tăng lưu lượng xả để đẩy mặn ở vùng hạ lưu. Việc trông chờ vào độ mặn trên sông giảm để lấy nước vào nhằm bớt hạn không mấy khả thi, vì theo dự báo tình trạng hạn hán sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng, theo ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, Công ty đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc đến những địa phương có nguy cơ hạn hán cao, thường xuyên cập nhật tình hình chống hạn, kịp thời xử lý khi có biến động. Đồng thời tỉnh cũng hướng dẫn bà con chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng sử dụng ít nước và áp dụng cách tưới cây trồng theo phương pháp tiết kiệm nước. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 7 nghìn ha cây ăn trái và cây lâu năm đã ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống. Mô hình này giúp nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và chi phí nhiên liệu; giảm 60% công lao động làm bồn, tưới nước và bón phân… , trong khi đó, năng suất, chất lượng cây trồng và độ đồng đều của sản phẩm đều tăng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()