Đồng minh của Mỹ và nỗi lo hậu tranh luận Biden - Trump
Màn thể hiện yếu thế của Tổng thống Joe Biden tại cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với người tiền nhiệm Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang gây nên hệ lụy không đáng có.
Đương kim Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ tạo động lực mới cho nỗ lực tái tranh cử bằng cách đồng ý tranh luận thậm chí hai tháng trước khi chính thức được đề cử. Tuy nhiên, dù có gần một tuần lui về khu nghỉ dưỡng để cùng đội ngũ của mình chuẩn bị, ông Biden được cho là vẫn để ông Trump “ghi điểm”. Trong suốt 90 phút tại trường quay ở thành phố Atlanta, bang Georgia, ông Biden thường xuyên vấp váp khi nói, dừng lại giữa câu để sắp xếp từ ngữ, trả lời lướt một số điểm, hoặc ngập ngừng hoặc bỏ dở câu trả lời. Ngay cả trước khi cuộc tranh luận diễn ra, tuổi tác vị tổng thống 81 tuổi của Đảng Dân chủ đã là một điều băn khoăn của nhiều cử tri.
Trong một bài phân tích đăng ngày 1-7, CNN cho biết các đồng minh ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và châu Âu không lo ngại về việc ông Biden không thể đưa ra quyết định, hoặc ông sẽ đưa ra các chính sách nguy hiểm hay hành động kịch tính nào đó. Họ cũng chẳng cần suy nghĩ về việc ông Trump có thể thắng nhiệm kỳ thứ hai hay không, dù rằng các nước vẫn có sự chuẩn bị cho khả năng này. “Tuy nhiên, điều mà các đồng minh của Mỹ lo lắng nhất là sự bất ổn ở xứ cờ hoa vào thời điểm nhạy cảm này”, CNN nêu rõ.
Sau một đêm khởi đầu đầy khó khăn đối với Tổng thống Biden, đã xuất hiện làn sóng thúc giục ông rút lui khỏi cuộc chạy đua tổng thống năm nay ở cả các nhà lập pháp và nhà tài trợ cho Đảng Dân chủ, chứ không riêng gì phe đối lập. Theo CNN, chính diễn biến này khiến các đồng minh của Washington lo ngại rằng việc thay thế một ứng cử viên vào cuối chu kỳ bầu cử có thể tạo điều kiện cho các quốc gia đối địch đả kích hệ thống dân chủ Mỹ. “Những sự thể hiện nhỏ được cho là điểm yếu này tạo cơ hội để đối thủ tuyên truyền, gieo rắc sự chia rẽ ở Mỹ và chính phương Tây thông qua thông tin sai lệch”, CNN bày tỏ quan ngại.
Nhiều câu hỏi được dành cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm, như: Liệu ông có thể thúc đẩy những việc như viện trợ cho Ukraine thông qua Hạ viện không? Liệu ông có đủ vốn chính trị để thực hiện hành động có thể không được ủng hộ ở Trung Đông hoặc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu những khu vực đó tiếp tục bất ổn? Và liệu một dấu hỏi về quyền lực của Nhà Trắng có khuyến khích các đối thủ toàn cầu hành động quyết liệt hơn ở sân sau của Mỹ? Từ đây, CNN đưa ra khuyến nghị rằng, để xử lý tất cả những thách thức này một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có sự ổn định. Và sự ổn định ở đây được định nghĩa là Washington cần phải có nhiều hơn sự ổn định và nhất quán về mặt chính trị.
Mặt khác, cùng với sự ủng hộ dành cho ông Biden, các đồng minh của Mỹ cũng có sự chuẩn bị cho kịch bản “Trump 2.0” nếu vị tỷ phú này trở lại Nhà Trắng và nhiều khả năng hủy các cam kết an ninh như ông từng đe dọa. Chẳng hạn, The Hill cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 này ở thủ đô Washington D.C, các đồng minh dự kiến thông báo liên minh quân sự sẽ thay Mỹ dẫn đầu nhóm điều phối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như sẽ cùng nhau bàn bạc việc kết nạp Kiev. Theo Giám đốc Viện McCain thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ) Evelyn Farkas, động thái trên thể hiện một nỗ lực để bảo đảm rằng ngay cả khi không có Mỹ, các mối quan hệ sẽ phát triển và các nền dân chủ vẫn hỗ trợ lẫn nhau.
Quả thực, nếu những ồn ào và nghi vấn về khả năng lãnh đạo của ông Biden còn tiếp tục nảy nở, thì những lo ngại từ các đồng minh của Mỹ là hoàn toàn có cơ sở.
Ý kiến ()