Động lực thúc đẩy sản xuất
LSO-Với đặc thù của tỉnh miền núi, đất đai manh mún, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên đồng đất Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng với những chính sách đúng thời điểm và sự chuyển biến tư duy trong sản xuất của nhà nông, cơ giới hóa đã từng bước được áp dụng rộng rãi. Đây cũng là động lực để nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, phát triển sản xuất.
![]() |
Hữu Lũng cơ bản cơ giới hóa trong khâu làm đất |
Lần giở lại số liệu của thời kỳ cách đây 15 năm, thời điểm trước năm 1999. Khi ấy cộng toàn bộ số máy bơm nước và máy cày tay, toàn tỉnh chỉ xấp xỉ 4.000 chiếc. Một con số quá ít ỏi so với tỷ lệ các hộ làm nông nghiệp chiếm xấp xỉ 90%. Cơ giới hóa thấp, trình độ thâm canh lạc hậu, thế nên sản xuất bấp bênh. Làm đất, thủy lợi hay gieo trồng cơ bản phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Cũng bởi cơ giới hóa còn yếu, nên khái niệm sản xuất đồng loạt chưa có trong tư duy của nhà nông. Đặc biệt trong vụ đông xuân, khi trâu, bò chưa kịp bình phục sau các đợt rét thì việc thiếu sức kéo diễn ra kinh niên. Chẳng thế mà thời kỳ ấy vụ 3 trên đồng đất Xứ Lạng gần như bỏ trống, còn vụ xuân thì thường xuyên chậm vụ. Điều ấy ảnh hưởng luôn đến tiến độ sản xuất vụ mùa. Chậm chễ của cơ cấu mùa vụ, như sợi dây vô hình kìm hãm sự phát triển của chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng. Thời kỳ ấy, kế hoạch sản xuất chỉ đặt mục tiêu trên dưới 150.000 tấn lương thực/năm mà cũng còn chật vật.
Trước thực trạng ấy, năm 2000, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây được coi là một trong những bước ngoặt đối với nhà nông, bởi cùng với việc ban hành chính sách là rất nhiều các cơ chế phát triển thủy lợi, khuyến nông… đi kèm. Đồng thời công tác tuyên truyền, vận động và các mô hình trình diễn sử dụng máy cày tay, máy bơm nước, xay xát… được triển khai đã mang đến một luồng gió mới. Nhớ về thời kỳ này, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nông Ngọc Tăng cho biết: đây là giai đoạn sôi động, việc phát triển mạnh mẽ cơ cơ giới hóa đã tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, kéo theo đó là việc đưa giống ngô lai, lúa lai và các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khác vào đồng ruộng cũng dễ dàng hơn.
Thực tế, chính sách của tỉnh chỉ ban hành trong thời gian ngắn từ 2000-2001, nhưng sức lan tỏa là rất lớn. Sau khi thực hiện chính sách, đến năm 2001, số máy cày tay trong toàn tỉnh đã tăng trên 250% và máy bơm nước tăng lên xấp xỉ 280%. Từ chỗ chưa có máy tuốt sử dụng động cơ và rất ít máy xay sát, thì chỉ sau 5 năm kể từ khi chính sách ra đời, số này đã lên đến hơn 43.000 máy. Ông Dương Đức Cường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: hiện nay trên địa bàn huyện đã có gân 11.000 máy cày tay và máy bơm nước; gần 4.000 máy thái thức ăn, máy sấy nông sản, máy nghiền bột, xay xát và đã xuất hiện cả máy gặt đập liên hợp cỡ nhỏ. Cơ giới hóa phát triển mạnh mẽ, đã tạo điều kiện cho nông nghiệp Bắc Sơn chuyển dịch nhanh, tạo ra những cánh đồng lớn trồng thuốc lá, rau màu và cơ cấu vụ mùa giờ đã trên 80% canh tác lúa mùa sớm. Chỉ tính riêng sản phẩm chủ lực là cây thuốc lá, hàng năm đã đóng góp trên 70% ngân sách huyện.
Không chỉ riêng ở Bắc Sơn mà việc đưa cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất diễn ra rộng khắp. Tính tới thời điểm này toàn tỉnh có trên 41.000 máy động cơ các loại phục vụ cho công tác làm đất, tổng công suất khoảng 270.000 mã lực; máy kéo các loại trên 15.363 chiếc; hơn 2.500 phương tiện vận tải và 23.000 máy công tác các loại. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hết năm 2013, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 66,8%; tưới tiêu đạt 43,9%; thu hoạch đạt 38,6%; mức độ cơ giới hoá trong chế biến và bảo quản nông sản đạt khoảng 40%… Trong khi đó các hình thức cơ giới khác như gieo thẳng bằng giàn kéo, thu hái nông sản vẫn đang tiếp tục được ngành chuyên môn đẩy mạnh triển khai.
Cơ giới hóa sâu, rộng là một trong những yếu tố quan trọng để cho nông nghiệp phát triển nhanh. Sản lượng lương thực giờ đây đã vượt qua con số 300 nghìn tấn/năm; nhiều vùng sản xuất hàng hóa hình thành như khoai tây, thuốc lá, thạch đen… Sản xuất vụ đông ngày càng được mở rộng và đã trở thành vụ sản xuất truyền thống, hệ số sử dụng đất tăng lên, cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực. Giờ đây, khi Lạng Sơn đã và đang ra sức triển khai đưa mô hình cánh đồng mẫu lớn thành cánh đồng lớn, nhà nông lại càng có điều kiện nâng cao tỷ lệ cơ giới trong các khâu sản xuất, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
NHƯ PHONG

Ý kiến ()