Động lực thúc đẩy quan hệ Ấn Độ-Italia
Mối quan hệ Ấn Độ-Italia đang chứng kiến hàng loạt tín hiệu tích cực thời gian gần đây, nhờ nỗ lực thúc đẩy hợp tác của lãnh đạo hai nước. Sau quãng thời gian sóng gió trong quan hệ song phương, Ấn Độ và Italia quyết tâm thắt chặt kết nối giữa hai quốc gia nằm ở hai châu lục song có tiềm năng hợp tác to lớn về kinh tế, quốc phòng... và chia sẻ tầm nhìn, lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Italia Giorgia Meloni nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Giải phóng Italia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảm ơn bà Meloni vì lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dự kiến diễn ra tại Italia vào tháng 6 tới.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc thúc đẩy những kết quả đạt được từ nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Những động thái thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Italia nêu trên là sự tiếp nối của hàng loạt nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm làm nồng ấm hơn quan hệ song phương. Hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã có chuyến thăm Ấn Độ. Nhân dịp này, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và ký kết các thỏa thuận song phương mới để củng cố quan hệ. Tờ The Diplomat nhận định, chuyến thăm của bà Meloni đánh dấu sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Ấn Độ và Italia, vốn không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Ấn Độ và Italia thiết lập quan hệ chính trị năm 1947. Hai nước từng có một giai đoạn căng thẳng sau vụ lính thủy đánh bộ Italia bị cáo buộc nổ súng làm chết hai ngư dân Ấn Độ trong vùng biển ngoài khơi bang Kerala, miền nam Ấn Độ hồi tháng 2/2012. Theo hai quân nhân Italia, họ nổ súng do nhầm lẫn tàu của hai ngư dân là tàu cướp biển.
Năm 2017, Thủ tướng Italia khi đó là ông Paolo Gentiloni có chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Italia đến quốc gia châu Á này kể từ năm 2007. Tuy vậy, giữa hai nước vẫn tồn tại những bất đồng. Theo tờ The Diplomat, quan hệ giữa Ấn Độ và Italia chỉ đạt được sự cải thiện thực chất kể từ khi ông Mario Draghi lên nắm chức Thủ tướng Italia.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome vào tháng 10/2021, ông Mario Draghi đã tiến hành gặp song phương với lãnh đạo bốn quốc gia, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tiếp nối người tiền nhiệm Mario Draghi, Thủ tướng đương nhiệm Italia Giorgia Meloni đã có nhiều nỗ lực để đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Italia là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong Liên minh châu Âu (EU).
Hiện số người Ấn Độ sinh sống tại Italia khoảng 200.000. Italia là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong Liên minh châu Âu (EU). Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ-Italia, trao đổi thương mại giữa hai nước dự kiến tăng từ 10% đến 15% mỗi năm trong vòng 4-5 năm tới. Năm 2021, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hydro xanh và nhiên liệu sinh học.
Hồi tháng 10/2023, hai nước ký kết hiệp định hợp tác mới trong lĩnh vực quốc phòng, sau khi thỏa thuận cũ hết hạn vào năm 2019. Thỏa thuận này giúp tăng cường hợp tác về chính sách an ninh và quốc phòng, giáo dục trong lĩnh vực quân sự, chia sẻ thông tin quốc phòng và hợp tác công nghiệp.
Cả Ấn Độ và Italia đều có chung tầm nhìn, mối quan tâm mạnh mẽ về duy trì ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tại Đối thoại Raisina lần thứ tám, Thủ tướng Meloni đã khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với sự phát triển kinh tế của Italia và EU. Với Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU đang nỗ lực gắn kết sâu rộng hơn với khu vực này. Italia, thành viên có tiếng nói quan trọng trong EU, đang tham gia thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược chung của EU.
Sự hòa giải, cải thiện và phát triển quan hệ những năm gần đây giữa Ấn Độ và Italia là diễn biến tích cực, đáng hoan nghênh trong một hệ thống quốc tế đầy căng thẳng, chia rẽ hiện nay.
Ý kiến ()