Động lực thúc đẩy nông thôn mới
LSO-Nhìn lại thời điểm trước khi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được ban hành, tức là trước năm 2008, mặc dù toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong phát triển giao thông nông thôn nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Số xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa chiếm tỷ lệ hơn 80%, đường ô tô đến thôn, bản chỉ đạt 76,4%. Tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 14,5%, còn cứng hóa đường thôn, bản chỉ đạt 13,2%. Hạ tầng giao thông thấp kém như sợi dây vô hình kìm hãm hướng phát triển sản xuất ở các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày 5/8/2008 và Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Lạng Sơn tiếp tục xác định phát triển giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đây được coi là động lực thúc đẩy nông thôn mới, bởi tiêu chí giao thông sẽ tác động tích cực thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí quan trọng khác về sản xuất, đời sống và xã hội. Giữa năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Ngay sau đó HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 53 phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015. Đây là những định hướng quan trọng để các cấp, ngành và nhân dân trong toàn tỉnh triển khai thực hiện.
Nhân dân xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình bê tông hóa giao thông nông thôn |
Ông Nguyễn La Thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn với phương châm “nhân dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ”. Đồng thời, ngành Giao thông Vận tải đã tổ chức thực hiện quy hoạch và hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch giao thông nông thôn và hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật, quy chế quản lý, đầu tư…gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn được hơn 750 tỷ đồng để phát triển giao thông nông thôn. Đặc biệt từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngoài các nguồn vốn từ ngân sách, các huyện, thành phố đã phát huy được nội lực với việc huy động có hiệu quả sự tham gia của người dân. Trong 5 năm trở lại đây, với gần 100 nghìn tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ, nhân dân các địa phương đã đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công lao động, trên 230 tỷ đồng và hiến khoảng 760 nghìn m2 đất để xây dựng giao thông nông thôn. Qua đó đã nâng cấp, cải tạo thêm 21 tuyến đường đến trung tâm xã, nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đi lại 4 mùa lên 91,2%. Mở mới và cải tạo thêm 332 tuyến đường đến thôn, nâng tỷ lệ đường ô tô đên trung tâm thôn lên hơn 90%. Tỷ lệ cứng hóa đường huyện tăng lên 30%; đường trục xã, thôn bản tăng lên 20%. Mở mới và bê tông hóa thêm trên 1.000km đường giao thông nông thôn.
Giao thông nông thôn được củng cố đã tạo điều kiện cho nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất. Trong đó các mô hình liên doanh, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ngày càng xuất hiện nhiều. Ông Hoàng Văn Đoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới cho biết: bước sang năm 2014, Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giao thông nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()