Động lực thúc đẩy kinh tế
LSO-Khai thác lợi thế của một tỉnh biên giới, trong những năm qua, Lạng Sơn đã tập trung đầu tư, phát triển thương mại biên giới và thực tế đã trở thành một địa bàn hấp dẫn, sôi động trong hoạt động thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị |
CẢI CÁCH ĐỒNG BỘ
Từ quan điểm nhất quán coi thương mại biên giới là động lực cho sự phát triển, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng mời gọi các doanh nghiệp đến Lạng Sơn để đầu tư và phát triển kinh doanh. Trong đó, một vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp là cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan. Từ ngày 1/4/2014, Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) chính thức đi vào vận hành. Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp hải quan áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý hải quan tiên tiến. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai hiệu quả Cơ chế một của quốc gia và cơ chế một của ASEAN, nâng cao trình độ quản lý của Hải quan Việt Nam.
Cùng với cải cách hành chính, tỉnh đã luôn thực hiện kịp thời các giải pháp, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Tỉnh đã triển khai kịp thời Thông tư số 05/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương, hạn chế tối đa tình trạng ách tắc hàng của doanh nghiệp qua địa bàn. Cùng với đó, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các cơ quan Trung ương, tỉnh đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 18/4/2014 về việc công bố khu vực quy hoạch kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh;… Kèm theo đó là các quyết định liên quan đến việc xác định tên gọi các cửa khẩu phụ, phạm vi khu vực các cửa khẩu trên địa bàn; công bố quyết định doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan của tỉnh.
NÂNG CẤP HẠ TẦNG
Song song với cải cách thủ tục hành chính, các điều kiện về cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu tiếp tục được tỉnh quan tâm và đầu tư để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng bộ nâng cấp hệ thống nhà làm việc liên hợp tại một số của khẩu như Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu phụ Bình Nghi, Co Sâu. Cùng với đó là nâng cấp, cải tạo đường giao thông, hệ thống các kho bãi. Hiện tại, dịch vụ hỗ trợ thương mại đã được đầu tư phát triển mạnh, có 17 bến, bãi đỗ xe, kho hàng tại các cửa khẩu và nhiều bãi đỗ xe, sang tải hàng hóa, kho hàng trong khu vực kinh tế cửa khẩu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong năm 2014, cơ bản quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được lập, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư các năm tiếp theo. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng trọng yếu tại các cửa khẩu biên giới. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn, đảm bảo tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội, quyết định các phương án đầu tư. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn ODA và nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp.
Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hóa tại Cửa khẩu Cốc Nam |
KẾT QUẢ ẤN TƯỢNG
Từ hướng đi hợp lý, cùng với sự quan tâm thu hút đầu tư của tỉnh, hiện nay, có khoảng 2.300 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất nhập khẩu qua địa bàn, tăng 4% so với năm 2013. Bên cạnh việc tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp còn đóng góp gần 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho hàng tại các khu vực cửa khẩu, đảm bảo điều kiện phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu tại.
Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh được 3.330,7 triệu USD, đạt 130,8% kế hoạch, tăng 37,3% so với năm 2013. Riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn của các doanh nghiệp Lạng Sơn đạt 551,2 triệu USD, chiếm 16,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Kết quả trên, đóng góp quan trọng vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 9,05% của tỉnh, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng các ngành là nông lâm nghiệp chiếm 26,46%, công nghiệp – xây dựng 19,26%, dịch vụ 54,27%.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015, tỉnh phấn đấu thực hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 3.290 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.550 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.740 triệu USD và các mặt hàng thu mua, sản xuất tại địa phương xuất khẩu đạt 96 triệu USD.
ANH DŨNG
Ý kiến ()