Động lực thúc đẩy các vùng kinh tế
LSO-Một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm và dành nhiều thời lượng để bàn trong cuộc họp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trung tuần tháng 2 vừa qua là xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các vùng kinh tế theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Một góc cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng |
Ngày 13/9/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 68 về lãnh đạo thực hiện các vùng kinh tế theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020. Trong đó xác định 3 vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh là vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế có điều kiện phát triển và vùng khó khăn. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, mục tiêu và định hướng tổng quát là tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng, thu hút mọi nguồn lực cả trong tỉnh và nước ngoài, phấn đấu xây dựng và phát triển 3 vùng kinh tế này.
Tại cuộc họp Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh diễn ra vào trung tuần tháng 2/2014 vừa qua, các đại biểu đã dành nhiều thời lượng, tập trung thảo luận xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết 68 xác định, vùng kinh tế động lực là Khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với diện tích toàn vùng 394km2 bao gồm thành phố Lạng Sơn; thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và các xã Thụy Hùng, Phú Xá, Bảo Lâm, Thạch Đạn, Hồng Phong, Tân Liên, Song Giáp, một phần xã Bình Trung thuộc huyện Cao Lộc; các xã Tân Thanh, Tân Mỹ thuộc huyện Văn Lãng; một phần xã Văn An huyện Chi Lăng và xã Đồng Giáp thuộc huyện Văn Quan. Trong khi đó vùng kinh tế có điều kiện phát triển được xác định là 2 trục Lộc Bình – Đình Lập và Chi Lăng – Hữu Lũng. Các huyện còn lại bao gồm Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn và Văn Lãng, Tràng Định thuộc vùng kinh tế khó khăn.
Quan điểm phát triển các vùng kinh tế này là phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của tỉnh. Khai thác tối đa hiệu quả các nguồn ngoại và nội lực để tập trung đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu tương xứng với những tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, tạo ra sự đột phá về tăng trưởng trong khu vực, tác động tích cực đến phát triển của các vùng kinh tế khác; góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Trên quan điểm đó, Nghị quyết số 68 đã xác định rõ định hướng và mục tiêu cụ thể cho từng vùng kinh tế. Đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết cần chú trọng tới quy hoạch, trong đó bổ sung xây dựng quy hoạch các vùng; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng, huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực đã được phê duyệt theo nguyên tắc đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong năm 2014 phải hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng kinh tế liên huyện Chi Lăng – Hữu Lũng – Lộc Bình – Đình Lập; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho phù hợp. Từ năm 2015, tiếp tục xây dựng Quy hoạch vùng kinh tế liên huyện Văn Lãng – Tràng Định – Văn Quan – Bình Gia – Bắc Sơn; rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch khác.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: trong cơ chế, chính sách cần xác định các nhóm cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng vùng, có sự liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển giữa các vùng. Trước hết phải tập trung, ưu tiên cơ chế chính sách cho vùng phát triển động lực, sau đó xác định, lựa chọn mức độ ưu tiên cho các vùng, tiểu vùng còn lại để có cơ chế chính sách phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã được phê duyệt, tính toán, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cụ thể của mỗi vùng cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Về các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xác định, đề xuất các nhóm đề án, dự án ưu tiên nghiên cứu, đầu tư cho từng vùng và theo từng giai đoạn phù hợp để huy động, tập trung nguồn lực thực hiện. Đối với thông tin, tuyên truyền, vận động, xác định các nhóm nội dung tuyên truyền, vận động, chủ thể chủ trì tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Đồng thời phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể của các ngành, các huyện, đoàn thể,… xác định rõ chủ thể chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tổ chức thực hiện đối với từng nhiệm vụ, công việc cụ thể và thời hạn hoàn thành.
Xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình và giải pháp cho từng phần việc…các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước cụ thể hóa, đưa Nghị quyết số 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuộc sống. Đây chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển của các vùng kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của cả tỉnh.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()