Động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo
Khép lại Chương trình Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 (Chương trình) sau một năm phát động, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) và Tập đoàn Meta (Mỹ) đã lựa chọn được 12 giải pháp xuất sắc để trao giải.
Gian trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh DUY ÐĂNG) |
Ðây là những giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu và tiềm năng, có khả năng thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp được hội đồng tuyển chọn của Chương trình đánh giá kỹ lưỡng thông qua nhiều vòng đào tạo và phỏng vấn trực tiếp.
Ấn tượng năng lực sáng tạo của người Việt
Thách thức Ðổi mới sáng tạo Việt Nam là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Ðổi mới sáng tạo Việt Nam được phát động năm 2022 nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam thịnh vượng. Trong năm đầu tiên khởi động, Chương trình đã nhận được đăng ký của 758 giải pháp công nghệ đến từ các cá nhân, doanh nghiệp trong nước và 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc),…
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, số lượng giải pháp công nghệ tham gia chương trình cho thấy nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt Nam là vô cùng lớn và đáng tự hào. Các giải pháp đưa ra cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách toàn diện, bền vững, có khả năng nhân rộng, phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và nhiều thị trường khác.
Trong số 12 giải pháp đoạt giải thưởng, bốn giải pháp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Lễ Khánh thành cơ sở hoạt động của NIC tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Triển lãm Quốc tế Ðổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Top 4 giải thưởng xuất sắc gồm: Nền tảng Chuyển đổi số (oneSME) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA)-FPT akaBot của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; Nền tảng Quản trị doanh nghiệp hợp nhất (MISA AMIS) của Công ty cổ phần MISA; Giải pháp tiết kiệm năng lượng (BenKon) của Công ty cổ phần BenKon. Trong đó, Hội đồng tuyển chọn đánh giá cả hai giải pháp của VNPT và FPT đều đã được thị trường đón nhận tích cực và mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, giải pháp oneSME thể hiện đúng vai trò dẫn dắt của tập đoàn kinh tế lớn khi cho phép tích hợp các giải pháp từ nhiều nhà cung cấp vào một sân chơi giúp tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhất để phát triển. Trong khi đó, sản phẩm akaBot là giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ toàn diện cho doanh nghiệp với các trợ lý robot có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.
Sản phẩm akaBot đã được cung cấp cho hơn 3.500 doanh nghiệp tại 21 quốc gia và 20 ngân hàng trong nước, các trợ lý ảo đã rút ngắn hơn 70% thời gian xử lý quy trình và tiết kiệm 21,9 triệu giờ làm việc/năm cho khách hàng. Ðối với giải pháp MISA AMIS, dù mới được đưa ra thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã phục vụ hơn 53 nghìn tổ chức, thực hiện hơn 172 triệu giao dịch. Còn với giải pháp tiết kiệm năng lượng BenKon, doanh nghiệp có thể chuyển đổi thiết bị điều hòa không khí thực tế trở thành một phiên bản thiết bị ảo, giúp quản lý tối ưu và vận hành hệ thống điều hòa hiệu quả nhất.
Động lực tăng trưởng mới
Ông Simon Milner, Phó Giám đốc Chính sách công tại châu Á-Thái Bình Dương của Meta nhận định: Việt Nam có tiềm năng kinh tế số lớn, với những doanh nhân khởi nghiệp nhiệt huyết, đội ngũ nhân tài đều là những người trẻ, khát khao bước vào thời kỳ đổi mới công nghệ và có khả năng thích ứng nhanh. Những giải pháp này cũng như các chương trình thách thức đổi mới sáng tạo hằng năm trong tương lai sẽ đóng vai trò là chất xúc tác tiếp thêm sinh lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hơn 800 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cả nước.
Theo số liệu đưa ra trong phiên thảo luận chuyên đề về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có ba kỳ lân công nghệ (doanh nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD) và 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD. Năm 2022, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), giữ vị trí thứ 4 khu vực Ðông Nam Á.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều biến động khó lường về tình hình địa chính trị thế giới và bất ổn kinh tế toàn cầu, việc khơi thông thể chế cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững.
Ðổi mới sáng tạo trở thành trụ cột mới trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn tới. Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên các dự án như công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ hiện đại, hoạt động nghiên cứu và phát triển… Với những định hướng nói trên, có thể thấy đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nguồn:https://nhandan.vn/dong-luc-tang-truong-tu-doi-moi-sang-tao-post774223.html#774223|zone-highlight-1292|0
Ý kiến ()