Theo ông Ép-ghê-ni La-sin, người đứng đầu Viện Nghiên cứu quốc gia thuộc Trường cao đẳng Kinh tế, quá trình phát triển của kinh tế Nga đã nhiều lần cho thấy chỉ dựa vào các nguồn lực tự nhiên như nguyên nhiên liệu làm động lực tăng trưởng là nguy hiểm, bởi đây là những yếu tố không ổn định. Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, giá dầu đã suy giảm liên tục trong 20 năm, thời điểm nước Nga đang tiến hành các cuộc cải cách. Do đó, sự suy giảm này đã gây nhiều khó khăn cho các cuộc cải cách. Vì vậy, hiện nay các chuyên gia có nhiệm vụ soạn thảo chương trình phát triển mới, nhưng trong các điều kiện phức tạp hơn. Ông La-sin khẳng định, cần phải bảo đảm các điều kiện để thiết lập một nền kinh tế Nga hùng mạnh, có khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới và có thể cạnh tranh với các cường quốc. Đây là một nhiệm vụ hết sức phức tạp. Nó đụng chạm tới nhiều giá trị văn hóa, truyền thống, trong khi mọi người vẫn chưa sẵn sàng chia tay với các giá trị truyền thống đó. Theo ông La-sin, điều này không có nghĩa là từ bỏ các giá trị, truyền thống tốt đẹp, mà chỉ từ bỏ những cái xấu. Người dân Nga cần phải chiến thắng sự lười nhác và khả năng tự tổ chức thấp kém của mình.
Vậy cần phải bắt đầu từ đâu? Trước hết cần phải tiến hành hiện đại hóa. Trên thực tế nước Nga vẫn đang coi việc xuất khẩu các nguồn nguyên nhiên liệu là nền tảng chủ chốt của nền kinh tế. Ông La-sin bày tỏ hy vọng nước Nga sẽ đưa ra những thể chế khác và các hoạt động đổi mới. Như mọi người đều biết, hoạt động đổi mới chia làm hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất, đối với bản thân nó, có nghĩa là học tập cách tổ chức, sáng tạo những cái mới mà các nước khác đã làm. Phạm trù thứ hai là những hoạt động đổi mới đối với thị trường, chúng được tạo ra theo cách mới và là hàng hóa, khác hẳn so với dầu mỏ và các sản phẩm của các ngành cũ.
Báo cáo của các quan chức chính phủ cho thấy, các xí nghiệp của Nga thích mua các thiết bị mới, nhưng không quan tâm nhiều tới khoa học và bỏ rất ít chi phí cho các công trình nghiên cứu khoa học và chế tạo – thực nghiệm. Theo ông La-sin, đối với nước Nga hiện nay, việc tiếp nhận những thành tựu của các nước khác có lợi thế hơn, dễ thực hiện hơn là làm ra các phát minh, sáng chế mới. Ông nhấn mạnh, Nga cần tăng cường mua các thiết bị, công nghệ, thông qua đó nâng cao trình độ công nghệ của mình. Có như vậy, giới doanh nhân sẽ muốn tham gia vào hoạt động đổi mới.
Đã tới lúc nước Nga cần xác định nền kinh tế sẽ dựa vào nguồn lực gì để tăng trưởng ổn định. Theo ông La-sin, câu trả lời là nông sản. Thứ nhất, tốc độ phát triển kinh tế của các nước đang phát triển và đông dân sẽ kéo theo sự gia tăng các nguồn thu nhập của người dân, có nghĩa là nhu cầu về lương thực sẽ tăng đột biến. Thứ hai, dân số ở những nước có mức sống chưa cao, đang tăng lên, và vẫn phải mua lương thực để nuôi sống mình. Các chuyên gia dự đoán nếu như tình hình lương thực không có thay đổi, thế giới sẽ gặp phải một vấn đề mới, đó là nạn đói. Nếu như ăn không đủ, thì lương thực sẽ trở nên đắt đỏ. Cần phải nói rằng, các sự kiện đang xảy ra ở Trung Đông, ở một mức độ đáng kể, cũng tác động đến khủng hoảng lương thực và việc giá ngũ cốc tăng lên.
Trên thế giới chỉ có một số nước có đất đai dư thừa, thuận lợi cho việc trồng trọt những loại hoa màu quan trọng nhất là ngũ cốc và Nga là nước đầu tiên trong số đó, khi có thể canh tác những cánh đồng phì nhiêu, áp dụng những công nghệ tiên tiến và trồng những loại cây có năng suất cao. Năm ngoái, trước khi xảy ra hạn hán, Nga cung cấp cho thị trường thế giới gần 20 triệu tấn ngũ cốc. Như vậy, nông sản hoàn toàn có thể là lựa chọn hợp lý để thay thế dầu mỏ và khí đốt. Thậm chí còn là nguồn lực bổ sung, để tạo ra nhân tố ổn định đối với kinh tế Nga trong trường hợp thị trường năng lượng xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, điều gì đang ngăn cản Nga gia tăng sản xuất ngũ cốc? Đó là việc nước này có thể tạo ra các loại giống cây có khả năng thích ứng được tất cả loại thuốc diệt cỏ và chịu được khô hạn hay không. Bởi ở Nga hạn hán xảy ra không chỉ bất thường, đặc biệt ở những vùng có thể trở thành những vùng chủ yếu để mở rộng sản xuất ngũ cốc.
Câu trả lời là có thể. Các loại giống cây biến đổi gien, sử dụng các phương pháp kỹ thuật sinh học, sẽ có tất cả các thuộc tính mà chúng ta cần. Tuy nhiên, một vấn đề có tính nguyên tắc là những sản phẩm biến đổi về gien có đáng lo ngại hay không? Nhiều người đã phản đối công nghệ tạo ra những loại giống này và cho rằng, chúng có thể truyền bệnh cho những cây cỏ khác. Vì vậy, cần nghiên cứu để nâng cao tính ổn định của các loại giống cây trồng. Hơn nữa, cần đưa ra bằng chứng chứng tỏ các sản phẩm biến đổi gien không gây hại. Theo ông La-sin, với công nghệ mới này, Nga sẽ có cơ hội quan trọng để củng cố nền kinh tế, và nâng khả năng xuất khẩu từ 20 triệu tấn ngũ cốc lên 100 triệu tấn.
Về các thực phẩm khác, ông La-sin cho biết, một phần đáng kể thịt bò mà Nga sử dụng là được nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi gia súc được nuôi ở Bra-xin chủ yếu bằng thức ăn biến đổi gien. Một nước khác nữa là U-crai-na, quốc gia cũng áp dụng những biện pháp nhằm đưa khoa học – kỹ thuật – công nghệ mới vào nông nghiệp. Tại ba nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất là Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa, các nhà sản xuất cũng sử dụng công nghệ sinh học để phát triển sản xuất nông nghiệp. Chuyên gia La-sin nhấn mạnh, nếu Nga tiếp tục theo truyền thống là ngồi chờ đợi, có thể tất cả người dân sẽ 'thiếp' đi với 'những chiếc bánh dầu mỏ' của mình và khi tỉnh dậy sẽ trở thành người tụt hậu trong số những người thành đạt.
Ý kiến ()