Động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp trong kinh tế số
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Quang cảnh Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số” |
Đó là nội dung được các diễn giả tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng, tài chính, du lịch, y tế, giáo dục, đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Do đó, phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách.
Trong đó, một trong những “chìa khóa” quan trọng là chuyển đổi số để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số. Chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết thêm, phát triển kinh tế số là chặng đường dài. Hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Trong khi đó, 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…
Những khó khăn hiện nay đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở doanh nghiệp vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại. Vì vậy, tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp đang là nội dung cấp bách.
Cùng quan điểm, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế Trịnh Minh Anh cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng lần thứ tư, tránh tụt hậu về công nghệ.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ cần quán triệt quan điểm “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Về phía doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số thì điều tiên quyết là phải chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không có nghĩa chỉ là mua sắm phần mềm, trang thiết bị, mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học-kỹ thuật. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.
Nguồn:https://nhandan.vn/dong-luc-tang-truong-cho-doanh-nghiep-trong-kinh-te-so-post779358.html
Ý kiến ()