Động lực phát triển từ thương mại - dịch vụ
(LSO)- Huyện Tràng Định có thị trấn Thất Khê vốn nổi tiếng là nơi giao thương hàng hóa sầm uất, cộng với đó là lợi thế từ thương mại biên giới nên những năm qua, Tràng Định xác định thương mại – dịch vụ là đón bẩy để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Sang tải hàng hóa xuất khẩu tại Cửa khẩu Nà Nưa, huyện Tràng Định
Giờ đây, nếu chạy xe dọc theo tuyến quốc lộ 4A qua địa bàn huyện Tràng Định, mỗi chúng ta đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của nơi đây, hai bên đường đã có nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được mở ra để phục vụ nhu cầu đời sống dân cư. Nhất là đoạn qua thị trấn Thất Khê, hàng loạt các đại lý, siêu thị, nhà hàng hiện đại đã được đầu tư khang trang, mang vóc dáng của một trung tâm thương mại phía Tây của tỉnh.
Theo thống kê của ngành thuế tỉnh, trên địa bàn huyện Tràng Định hiện có 310 cơ sở kinh doanh đến ngưỡng thực hiện nghĩa vụ thuế, 57 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Thất Khê với 207 cơ sở kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có số lượng lớn các cơ sở buôn bán quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ chưa đến ngưỡng nộp thuế, do vậy, hoạt động giao thương diễn ra sôi động hằng ngày.
Những năm gần đây, bên cạnh lĩnh vực trọng tâm là nông nghiệp, Tràng Định đã xác định thương mại – dịch vụ là động lực để phát triển kinh tế. Theo đó, để thúc đẩy hoạt động thương mại nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa, UBND huyện đã tổ chức sắp xếp và chuyển đổi mô hình quản lý một số chợ quy mô lớn của huyện. Đến tháng 8/2019, UBND huyện đã bàn giao chợ Thất Khê, thị trấn Thất Khê cho Hợp tác xã Thương mại Việt Phương và chợ Long Thịnh, xã Quốc Khánh cho Hợp tác xã chợ Đại Phúc quản lý.
Ông Nông Văn Lâm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Cùng với các chính sách phát triển thương mại, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt giải tỏa vi phạm vỉa hè, lòng đường, nhất là khu vực chợ Thất Khê và hai bên quốc lộ 4A, đoạn qua địa bàn thị trấn Thất Khê để hạn chế tắc đường, nhất là vào các ngày chợ nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên địa bàn huyện đạt gần 500 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, để khai thác lợi thế từ khu vực kinh tế cửa khẩu, những năm gần đây, chính quyền huyện Tràng Định đã tăng cường công tác đối ngoại, thường xuyên giao lưu với chính quyền thị Bằng Tường và huyện Long Châu thuộc Quảng Tây, Trung Quốc. Từ đó, tạo mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và dễ dàng tìm được tiếng nói chung giữa hai bên khi xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thương mại biên giới.
Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Thời gian gần đây, UBND huyện thường xuyên hội đàm với huyện Long Châu – Trung Quốc để thống nhất các cơ chế, chính sách, cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, UBND huyện đã chủ động củng cố, kiện toàn lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu, các cặp chợ; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, doanh nghiệp thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng khu vực bến bãi tại khu vực Nà Nưa, Bình Nghi để tạo thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hai bên xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.
Với giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh từ thương mại – dịch vụ, trong 10 tháng đầu năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn huyện Tràng Định diễn ra ổn định, tổng kim ngạch đạt trên 330 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa đã trừ phí theo Quyết định số 53) được 48 tỷ đồng, đạt 115,6% dự toán tỉnh giao và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Với kết quả đạt được, Tràng Định xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp khai thác và phát huy tốt lợi thế kinh tế biên mậu, tăng cường kêu gọi và thu hút đầu tư khu vực kinh tế cửa khẩu Nà Nưa, Bình Nghi, chợ Thất Khê… Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào thương mại – dịch vụ. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để đảm bảo lợi ích cho người kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Từ đó từng bước nâng tỷ trọng thương mại dịch vụ trên địa bàn lên 40%.
ANH DŨNG
Ý kiến ()