Động lực phát triển mạnh mẽ từ kiều hối
Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, bất ổn chính trị ở nhiều nơi, nhưng kiều bào vẫn nỗ lực thích ứng, ổn định cuộc sống và tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Agribank. |
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11/2023, có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,72 tỷ USD.
Kiều hối tăng 32%
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, năm 2023, lượng kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra dự báo lượng kiều hối năm 2024 chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD. Theo WB ước tính, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam đã nhận tới 17 tỷ-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành “điểm sáng” của Việt Nam và duy trì vị trí trong tốp 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Có thể nói, cùng với các chính sách tài chính, tiền tệ trong nước được Chính phủ điều hành linh hoạt để thúc đẩy phát triển kinh tế; thì kiều hối là một nguồn lực quan trọng mà Việt Nam đón nhận mỗi năm. Đặc biệt, cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI, lượng tiền kiều hối gửi về đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam tăng nguồn ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, Việt Nam có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về Việt Nam có sụt giảm là chuyện bình thường, tuy nhiên với mức kiều hối đạt 16 tỷ USD là rất cao theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh. Điều này cho thấy sự tin tưởng của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu hút kiều hối. Ngoài ra, nhiều chính sách mới khuyến khích thu hút vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những yếu tố nền tảng để thu hút “nguồn lực vàng” này đổ về Việt Nam. “Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Điều này đã đóng góp lớn vào việc bảo đảm đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Hiện nay, có gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Có khoảng 600-700 nghìn doanh nhân, trí thức có trình độ cao, trong đó rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên, muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu muốn có căn nhà ở quê hương để đi về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh, học tập,… của kiều bào là rất lớn.
Ông PETER HỒNG
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
Tạo điều kiện thu hút “nguồn lực vàng”
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, tốc độ tăng trưởng khoảng 5%/năm. Kiều bào hiện sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. Đây chính là yếu tố thuận lợi để có thể thúc đẩy tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới.
Để thu hút “nguồn lực vàng”, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút kiều hối như Vietcombank, Agribank, Sacombank, BIDV,… nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đơn cử tại Agribank, từ ngày 15/12/2023 đến hết ngày 15/2/2024, tất cả khách hàng sẽ nhận ngay phần quà trị giá 100.000 đồng sau khi hoàn tất giao dịch nhận hoặc chuyển tiền Western Union tại quầy giao dịch của Agribank trên phạm vi toàn quốc.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Không những thế, kiều hối chuyển qua kênh các ngân hàng thương mại còn giúp chính các ngân hàng này gia tăng tiếp cận các hộ gia đình, trên cơ sở đó sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Nhưng để thu hút kiều hối, Nhà nước cần có những thông tin đầy đủ, rõ ràng về cơ hội đầu tư tại Việt Nam tới kiều bào ở nước ngoài. Đồng thời, các cơ quan, bộ phận hỗ trợ Việt kiều khi họ về Việt Nam cần bảo đảm tốt các vấn đề liên quan đến y tế, an ninh, thị thực,… Còn đối với người nhận tiền kiều hối do kiều bào từ nước ngoài gửi về, cũng cần khuyến khích họ sử dụng một phần tiền tiêu dùng, phần còn lại thì đầu tư vào các dự án tại Việt Nam.
Ở một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng”, trong thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính,…
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, Việt Nam cần từng bước định hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, quán triệt tính kỷ luật cao cho người lao động làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh những việc đã và đang làm như ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, Chính phủ cần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh để thấy được hiệu quả từ việc chuyển nguồn ngoại tệ về nước góp phần mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và an sinh xã hội.
Còn đối với các ngân hàng thương mại, các ngân hàng cần có những chính sách như hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động, ưu đãi về biểu phí, tỷ giá, lãi suất tiết kiệm, ứng dụng công nghệ để bảo đảm giao dịch nhanh chóng, an toàn, bảo mật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, góp phần hạn chế dòng tiền kiều hối qua các kênh không chính thống và khó kiểm soát.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()