Động lực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía bắc
Xuất phát điểm hạ tầng giao thông của một số tỉnh miền núi phía bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái còn hạn chế, địa hình phức tạp, thiếu tính kết nối, luôn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ rất quan trọng, tạo động lực bứt phá cho các địa phương phát triển trong thời gian tới.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều dự án giao thông quan trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc được triển khai. Những dự án này như những “con đường hạnh phúc”, kết nối giao thông giữa các tỉnh trong khu vực tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội cả vùng.
Những “con đường hạnh phúc”
Năm 1965, tuyến đường dài gần 200 km từ thành phố Hà Giang lên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn được hoàn thành. Đây là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào nơi cực bắc Tổ quốc. Để có được con đường hạnh phúc này là thành quả lao động miệt mài gần sáu năm gian nan, vất vả và cả sự hy sinh với hơn ba triệu công lao động của hàng chục nghìn thanh niên xung phong và đồng bào tám tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Hưng, Nam Định. Đến nay, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Hà Giang đã có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực, như quốc lộ 279, quốc lộ 2, quốc lộ 34,… Hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh cũng dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Không chỉ Hà Giang, các địa phương khác trong vùng cũng đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển giao thông kết nối. Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ theo hướng hiện đại là một trong ba khâu đột phá mà tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ngay những ngày đầu năm 2021, tỉnh Tuyên Quang động thổ tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai có chiều dài hơn 42 km, nối các khu công nghiệp quan trọng của tỉnh và tỉnh Phú Thọ với khu công nghệ cao Hà Nội. Trong năm 2021, tỉnh cũng khởi công nhiều dự án giao thông quan trọng như: xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; dự án cầu Bạch Xa bắc qua sông Lô kết nối với quốc lộ 2… Đồng thời, thực hiện quy hoạch để hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết các vùng phát triển kinh tế-xã hội trong và ngoài tỉnh như quy hoạch đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; các tuyến quốc lộ 2C kéo dài qua khu Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình, quốc lộ 2D kéo dài qua Khu công nghiệp Long Bình An, kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc, quốc lộ 3B kéo dài kết nối với tỉnh Yên Bái,…
Tương tự, tỉnh Yên Bái được coi là có mạng lưới giao thông đường bộ phát triển nhất so với các tỉnh trong khu vực với hơn 80 km đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai chạy qua; năm tuyến quốc lộ dài hơn 400 km. Cuối năm 2021, Yên Bái khởi công xây dựng cầu Giới Phiên, cây cầu thứ tám vượt sông Hồng trên địa bàn tỉnh và là cây cầu thứ 5 vượt sông Hồng trên địa bàn thành phố Yên Bái. Khi công trình hoàn thành cùng với cơ sở hạ tầng giao thông hiện có cũng như các công trình giao thông trọng điểm đang và chuẩn bị được đầu tư xây dựng như: công trình nâng cấp quốc lộ 32C, tuyến đường nối dọc hai bên bờ sông Hồng,… sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ kết nối trung tâm thành phố Yên Bái với các xã bên hữu ngạn sông Hồng thuộc thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên.
Tại tỉnh Lai Châu, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên vùng quan trọng trên địa bàn đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, toàn bộ 94 xã của tỉnh có đường ô-tô đến trung tâm, mặt đường được cứng hóa; 97,9% thôn, bản có đường xe máy hoặc ô-tô đến trung tâm, tạo thuận lợi cho đi lại. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lai Châu Tạ Đức Hùng cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại để kết nối với các tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội như: Đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai về thành phố Lai Châu, hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; nâng cấp đường từ thành phố Lai Châu ra cửa khẩu Ma Lù Thàng; xây dựng cầu đa năng tại cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu, Việt Nam) và Kim Thủy Bình (Vân Nam, Trung Quốc)…
Động lực phát triển
Mặc dù hạ tầng giao thông các địa phương trong khu vực ngày càng được cải thiện, nhưng đây đều là những tỉnh nghèo, địa hình phức tạp, nguồn lực hạn chế, dẫn đến hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, nhất là thiếu tính kết nối với các tỉnh trong khu vực. Nhiệm kỳ 2021-2025, tỉnh Hà Giang xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá của cả nhiệm kỳ. Mục tiêu của tỉnh là đề xuất Trung ương triển khai hai tuyến cao tốc nối Hà Giang-Tuyên Quang và cao tốc Hà Giang-Yên Bái nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Đồng thời phối hợp Bộ Giao thông vận tải thực hiện hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ kết nối vùng như: quốc lộ 34, quốc lộ 4C, quốc lộ 279, quốc lộ 4 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp III miền núi theo quy hoạch. Tập trung, ưu tiên các nguồn lực thực hiện nâng cao và hoàn thiện các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường giao thông nông thôn. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư. Xây dựng kế hoạch cụ thể để đề nghị Trung ương và các bộ, ngành bố trí nguồn vốn nâng cấp các tuyến quốc lộ. Tham mưu các bộ, ngành Trung ương đưa danh mục các dự án giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho giai đoạn 2025-2030. Tỉnh cũng ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện việc mở mới, nâng cấp, tu sửa đường tỉnh, đường huyện. Đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ xi-măng để thực hiện hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Cuối tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức khởi công xây dựng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc, gồm: tuyến kết nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; tổng chiều dài hai tuyến là 200 km. Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Phát triển kết cấu hạ tầng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Một hệ thống cấu trúc hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ phát huy sức mạnh, sức cạnh tranh của cả vùng, miền nói chung và của các tỉnh miền núi phía bắc nói riêng. Theo đó, giao thông cần phải đi trước một bước, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Theo kế hoạch, sau khi được đầu tư xây dựng và đi vào khai thác, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc sẽ bảo đảm kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội-Lào Cai; rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác về Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai; qua đó giúp giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa và hành khách, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói nghèo đối với các địa phương có dự án đi qua, góp phần bảo vệ an ninh-quốc phòng.
Hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang cũng đang nỗ lực hoàn thiện các công tác chuẩn bị đầu tư để trình Chính phủ sớm cho triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ. Dự án này có tổng chiều dài dự kiến 118 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài 80 km, qua địa phận tỉnh Hà Giang 38 km. Khi tuyến đường kết nối liên vùng Tuyên Quang-Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ được đầu tư xây dựng, sẽ góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh các tỉnh miền núi phía bắc. Nhất là vận tải hành khách, hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển du lịch, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối với các tỉnh Tuyên Quang-Hà Giang, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối hai tỉnh với các khu vực kinh tế trọng điểm của vùng và cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()