Động lực nào cho “cú quay xe” của Thổ Nhĩ Kỳ?
Sau hơn một năm bế tắc ngoại giao với Mỹ và đồng minh phương Tây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý để Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quyết định đảo chiều này cho thấy chính quyền Ankara cũng có những toan tính riêng.
Khi quan hệ giữa Nga và phương Tây lao dốc không phanh vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là một trong những cường quốc có vai trò quan trọng trong các nỗ lực trung gian hòa giải. Thế nhưng, một mặt Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine, mặt khác lại phản đối châu Âu tăng sức ép với Nga đồng thời giữ quan hệ tốt với Moscow. Những điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ từng bị gọi là “đồng minh rắc rối” của NATO và châu Âu.
Vì vậy, quyết định bật đèn xanh của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Thụy Điển được coi là cử chỉ hàn gắn. Thậm chí, người ta còn kỳ vọng những tuyên bố hoan nghênh từ lãnh đạo Mỹ và phương Tây sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn kéo dài nhiều thập kỷ mà đến nay vẫn chưa thu về kết quả đáng kể. “Tổng thống Erdogan hiểu rằng mình cần làm gì đó để xây dựng cầu nối với phương Tây”, The New York Times dẫn lời chuyên gia Osman Sert tại tổ chức phân tích rủi ro PanoramaTR của Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá.
Việc phía Thổ Nhĩ Kỳ “đổi giọng” với Thụy Điển cũng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia liên lục địa Á-Âu này đang chịu rất nhiều áp lực, bao gồm lạm phát tăng cao, thâm hụt tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại tệ của nhà nước hao hụt mạnh, đồng lira mất giá nghiêm trọng hay những khoản chi phí lớn cho việc khắc phục thảm họa động đất vào đầu năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng đáng kể hợp tác thương mại với Nga, coi đó như một nguồn ngoại tệ thiết yếu.
Từ trái qua phải: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trao đổi vào tối 10-7, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius (Litva). Ảnh: Reuters |
Dẫu vậy, chỉ riêng dòng tiền từ Moscow không thể giải quyết triệt để các vấn đề kinh tế của Ankara. Một loạt thay đổi trong chính sách là cần thiết nhằm đưa nền kinh tế nước này trở về đúng quỹ đạo. Theo The New York Times, Thụy Điển sẽ tích cực ủng hộ những nỗ lực hiện đại hóa Liên minh hải quan EU-Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó mở rộng sang các sản phẩm nông sản, ngành dịch vụ và mua sắm chính phủ, chứ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm công nghiệp. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tự bảo vệ mình trước những thỏa thuận thương mại phức tạp của EU với nước thứ ba. Điều đó buộc Tổng thống Erdogan phải tìm cách xoa dịu những căng thẳng lâu nay với Washington và Brussels.
Ngoài ra, “tấm vé” mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Thụy Điển cũng mở ra cánh cửa để hoàn thành thương vụ tiêm kích F-16 giữa Washington và Ankara, dù các bên đều khẳng định hai vấn đề này không liên quan đến nhau. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua ở thủ đô Vilnius (Litva), sau quyết định của Tổng thống Erdogan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Nhà Trắng có thể xúc tiến quy trình chuyển giao F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Quốc hội Mỹ thông qua. Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cho biết, ông đang đối thoại với chính quyền của Tổng thống Joe Biden về thỏa thuận mua bán trên. Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 chiếc F-16 nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân sau khi bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35 từ năm 2019 do Ankara mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga.
Trong thông báo mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên quốc hội nước này để tiến hành biểu quyết thông qua ngay khi các nhà lập pháp nhóm họp trở lại vào đầu tháng 10 tới. Mặc dù Tổng thống Erdogan chưa bình luận hay giải thích thêm, song động thái “bật đèn xanh” với Thụy Điển của ông có thể mang lại nhiều lợi ích cho Ankara. “Xét tới những cân nhắc về địa chính trị, kinh tế và quốc phòng, việc đồng ý cho Thụy Điển vào NATO có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Emre Peker, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định trong một bài viết của The New York Times.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/dong-luc-nao-cho-cu-quay-xe-cua-tho-nhi-ky-734809
Ý kiến ()