Động lực mới phát triển kinh tế cửa khẩu
LSO-Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo và phê duyệt đề án xây dựng và phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh.
LSO-Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo và phê duyệt đề án xây dựng và phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh. Và từ năm 2008 đến nay, vùng kinh tế này đã thực sự tạo động lực mới cho phát triển kinh tế cửa khẩu.
Nâng cấp đường ra Cửa khẩu Bảo Lâm |
Có thể nói việc triển khai xây dựng vùng kinh tế động lực ở Lạng Sơn khá thuận lợi. Thuận lợi bởi đó là nhu cầu chung của cả nước với một tỉnh miền núi, biên giới, cửa ngõ của các nước ASEAN nối với Trung Quốc. Lạng Sơn luôn được sự quan tâm của nhân dân cả nước đấy chính là “nhân hoà” trong việc xây dựng vùng kinh tế động lực. Vì vậy ngày 28/4/2008, Lạng Sơn đã được Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Đến ngày 14/10/2008 Chính phủ đã có Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu. Đây là điều kiện để Lạng Sơn có những chính sách đặc thù phát triển kinh tế địa phương, đồng thời cũng tạo điều kiện liên kết tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng. Mục tiêu của phát triển kinh tế động lực là xây dựng tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phát triển. Ngày 25/7/2006 Tỉnh uỷ đã có chương trình hành động số 05 về thực hiện Nghị quyết đại hội, trong đó đẩy mạnh xây dựng vùng kinh tế động lực. Qua 5 năm thực hiện kinh tế động lực đã thực sự thúc đẩy phát triển ở các cửa khẩu.
Theo quy hoạch vùng kinh tế động lực Lạng Sơn gồm 3 vùng chính; vùng kinh tế động lực thành phố Lạng Sơn- Đồng Đăng và các cửa khẩu, vùng kinh tế động lực Na Dương (Lộc Bình), vùng kinh tế động lực Đồng Bành- Chi Lăng (Chi Lăng). Ngay sau khi phê duyệt đề án toàn tỉnh đã tích cực thu hút đầu tư vào khu kinh tế động lực, riêng khu vực Đồng Đăng- Lạng Sơn qua 3 lần xúc tiến đầu tư đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư. Kinh tế liên tục có tăng trưởng cao trung bình hằng năm tăng 14%, trong đó dịch vụ tăng 15,4%, công nghiệp xây dựng tăng 15,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng dịch vụ tăng 60,0% từ năm 2009 lên 61,0% vào năm 2012, nông nghiệp giảm từ 12,1% xuống còn 10,1%. Hàng loạt quy hoạch chi tiết cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam được công bố, hình thành các khu trung chuyển hàng hoá, bến bãi, khu chế xuất, các khu chức năng. Từ năm 2009 đến nay, đã giải ngân đạt trên 1.400 tỷ đồng đầu tư vào cửa khẩu. Tại khu vực kinh tế động lực Đồng Đăng- Lạng Sơn đã có 1.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn kinh doanh lên tới trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Lạng Sơn có 12 dự án với vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 2.119 tỷ đồng. Vùng kinh tế động lực này đã trở thành một thỏi nam châm lớn huy động các nguồn lực kinh tế phát triển trên diện rộng. Nếu cộng các dự án tại Chi Ma, đầu tư đô thị trong vùng kinh tế động lực thì tổng vốn đầu tư đã lên tới trên 3 ngàn tỷ đồng. Ông Trần Tiến Minh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn nhận định, phát triển kinh tế động lực là một bước đi cực kỳ đúng đắn của tỉnh, từ đó đã tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu, kéo theo các hoạt động kinh tế khác của toàn tỉnh. Cùng với đó khu kinh tế động lực Na Dương đã hình thành Nhà máy nhiệt điện với công suất 100MW, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký 155 tỷ đồng. Vùng kinh tế động lực Đồng Bành với trọng tâm là Nhà máy xi măng Đồng Bành sau một giai đoạn khó khăn hiện nay đã hoạt động hết công suất, tạo công ăn việc làm, kéo theo nhiều dự án đầu tư khác.
Có thể nói vùng kinh tế động lực là những vệ tinh của kinh tế cửa khẩu, vì thực tiễn đã minh chứng Lạng Sơn đặc biệt có thế mạnh về kinh tế cửa khẩu. Hiện nay tất cả các cửa khẩu, cặp chợ biên giới đều tạo nguồn thu, nguồn lực hết sức lớn cho tỉnh. Các vùng kinh tế động lực sẽ góp phần làm kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh hơn. Ông Hồ Phi Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn, đơn vị đầu tư Khu đô thị Nam Hoàng Đồng nằm trong vùng kinh tế động lực Đồng Đăng- Lạng Sơn nhận định, các vùng kinh tế động lực sẽ tạo nguồn lực để Lạng Sơn phát triển kinh tế cửa khẩu một cách nhanh nhất. Và đây là một hướng đi đúng của tỉnh nhà.
Qua 5 năm phát triển các khu kinh tế động lực đặc biệt là khu kinh tế Lạng Sơn- Đồng Đăng thì tốc độ phát triển kinh tế ở đây cao gấp 1,4 lần so với mức trung bình toàn tỉnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.800 triệu USD, thu ngân sách đạt 2.500 tỷ đồng. Từ đó đời sống nhân dân ổn định, tạo mối quan hệ tốt với nước láng giềng, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Mặc dù để phát triển kinh tế động lực phục vụ phát triển kinh tế cửa khẩu đúng nghĩa, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng như đã nói ở trên đấy là tiền đề, là những viên gạch đầu tiên để xây dựng kinh tế cửa khẩu phát triển với một động lực mới.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()