Động lực mới ở Lộc Bình
LSO-Là một huyện miền núi biên giới, Lộc Bình còn hiện hữu muôn vàn khó khăn. Vượt lên trên khó khăn ấy, Lộc Bình đã chọn cho mình hướng đi từ nội lực. Từ đó làm chuyển biến nhận thức, tạo đồng thuận để toàn huyện vững bước đi lên.
Nông dân Lộc Bình áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm giống cây trồng |
Những ngày này, chúng tôi có dịp xuôi quốc lộ 4B để về với Lộc Bình, mảnh đất còn dư âm hào hùng của một thời bảo vệ tổ quốc với những địa danh Chi Ma, Yên Khoái, Long Đầu… Vui cùng chúng tôi, trên cánh đồng đang vào gặt là những nông dân đang hăng say lao động với một khí thế mới, khí thế của sự năng động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vốn là thế mạnh của Lộc Bình. Gặp chúng tôi, anh Lương Trọng Quỳnh, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình phấn khởi khái quát những nét chính về phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm nay. Diễn tả như một thước phim quay chậm, anh khẳng định: Thành công nhất của huyện là điều hành kinh tế, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất, huy động sức dân xây dựng công trình công cộng, nông thôn mới.
Trong thu ngân sách, hiện toàn huyện đã thu trên 24 tỷ đồng, vượt hơn 30% dự toán; đầu tư vào khu vực cửa khẩu tăng mạnh; các lĩnh vực về kinh tế đều tăng trưởng, gieo trồng tăng 10%, trồng rừng tăng trên 15%, sản lượng lương thực đạt trên 21 nghìn tấn. Chỉ đạo của huyện là chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang hướng tăng chăn nuôi, giảm trồng trọt, giảm sản xuất nhỏ lẻ, tăng cường cây đặc sản, cây chất lượng cao. Nhờ thế xuất hiện ngày càng nhiều cánh đồng rau đặc sản ở Đồng Bục, Hữu Khánh, Tú Mịch…
Có thể nói đây là con số vui cho sự phát triển, bởi mới đây thôi một số xã của Lộc Bình vẫn còn phải trợ cấp khó khăn. Đời sống nhân dân các dân tộc còn có mức chênh lệch lớn. Các xã vùng sâu vùng xa như: Tam Gia, Ái Quốc, Xuân Dương, Mẫu Sơn còn phải cứu đói… Để tháo gỡ khó khăn, huyện đã tạo động lực khai thác thế mạnh vùng miền, gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND huyện Lương Trọng Quỳnh: Lộc Bình có cửa khẩu nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ lao động, cái chính là phải làm cho người dân “ly nông bất ly hương”, huyện đã tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ và nông lâm nghiệp. Riêng lâm nghiệp, mỗi năm huyện phát triển được trên 1.500 ha rừng. Hiện toàn huyện có gần 40 nghìn héc ta thông, mỗi năm thu gần 3.500 tấn nhựa, rừng mang về cho dân cả trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động. Những xã khó khăn xưa kia nhờ trồng rừng, khai thác tài nguyên rừng mà hiện đã khá lên như Tĩnh Bắc, Lợi Bác, Ái Quốc, Đông Quan, Nam Quan… nội lực rừng đã làm cho nông thôn thay đổi toàn diện. Rừng tạo nguồn đóng góp cứng hóa đến 70% giao thông toàn huyện. Theo bộ tiêu chí nông thôn mới, 27 xã của Lộc Bình không có xã “trắng” về tiêu chí nông thôn mới.
Trong xây dựng cơ bản, đầu tư vào biên giới cửa khẩu thì Lộc Bình là huyện kêu gọi đầu tư mạnh. Hiện toàn khu vực cửa khẩu Chi Ma đã có tới 7 nhà đầu tư khai thác bến bãi, dịch vụ xuất nhập khẩu. Đi tắt đón đầu việc nâng cấp cửa khẩu, rất nhiều doanh nghiệp đã chọn Chi Ma đặt văn phòng đại diện. Giờ đây đến Chi Ma nhiều người không nhận ra một cửa khẩu mà mấy năm trước còn sập xệ. Từ đầu năm đến nay huyện đã đưa vào sử dụng 58 công trình, thực hiện thẩm định báo cáo kỹ thuật được 75 công trình. Qua đó diện mạo biên giới cửa khẩu, trung tâm huyện ngày càng bắt kịp với đô thị hiện đại. Khi thực hiện chỉnh trang hiện đại hóa, tạo đô thị văn minh huyện đã tập trung đấu giá quyền sử dụng đất để phát huy hết lợi thế, tránh lãng phí tài nguyên. Kết quả đó đã tạo nguồn lực hàng trăm tỷ đồng để đầu tư. Đây là những bước đi ban đầu nhưng đầy triển vọng, nó khẳng định một huyện dù khó khăn nhưng khi mở hướng đi đúng thì khó khăn sẽ được khắc phục.
Cũng theo lãnh đạo huyện, cái thuận của Lộc Bình là biên giới cửa khẩu, giao lưu văn hóa nhưng cùng với đó huyện đặc biệt quan tâm các vấn đề văn hóa xã hội, tập trung vào y tế, giáo dục. Duy trì sĩ số mầm non đã đạt 100%, tiểu học đạt 99,7%. Hiện 274/286 thôn bản đã có nhà văn hóa, huyện cũng vừa được đăng cai tổ chức hội thi thể thao 5 huyện biên giới. Đặc biệt là quản lý biên giới về an ninh trật tự luôn được giữ vững tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế, xã hội.
Về Lộc Bình những ngày này, khi mà huyện đang bước vào vụ sản xuất chính, khí thế lao động sản xuất đang rộn rã trên mỗi cánh đồng, nhà máy. Đây sẽ là động lực mới cho toàn huyện vững bước đi lên.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()