Động lực mới cho kinh tế Việt Nam bứt phá
May áo sơ-mi xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hà Quảng (Quảng Bình).
Đặt niềm tin phát triển kinh tế – xã hội năm nay sẽ có nhiều khởi sắc hơn, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là yếu tố cần tận dụng ngay để mở rộng và phát triển thị trường. Vấn đề là chúng ta phải nâng cao năng lực của nền kinh tế, năng lực doanh nghiệp (DN) để đón nhận và tận dụng được cơ hội này. Bởi CPTPP được dự đoán tạo ra cú huých lớn với nhiều ngành, lĩnh vực như dệt may, da giày, thủy sản…, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NICF – Bộ KHÐT) cho thấy, về tổng thể, thực thi CPTPP đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn thách thức. Dự báo tác động của CPTPP với Việt Nam có thể làm tăng thêm 1,3% GDP, thậm chí mức tăng thêm có thể lên tới 2,1% nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ. Các dự báo này chưa tính đến tác động từ đầu tư và từ sức ép cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước.
Bàn về động lực tăng trưởng cho năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của Nghị quyết số 02/NQ-CP (NQ02) về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia (trước đây là Nghị quyết số 19) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành từ ngày 1-1-2019. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2019, MTKD và xếp hạng đổi mới sáng tạo tăng hai đến ba bậc; NLCT tăng ba đến năm bậc. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc xây dựng Chính phủ điện tử để năm 2020, xếp hạng Chính phủ điện tử tăng 10 đến 15 bậc. Ðiểm nhấn của NQ 02 là tăng cường trách nhiệm của các bộ đầu mối, gắn rõ hơn việc hoàn thành các mục tiêu với trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương. Tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên trọng tâm để cải thiện MTKD: Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa và thực thi đầy đủ, triệt để các cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện năm 2018; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo. “NQ 02 của Chính phủ đặt trọng tâm lấy DN làm trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến và được ban hành cùng với Nghị quyết số 01 ngay từ ngày đầu năm để thực hiện nhất quán, đồng bộ nhằm tạo hiệu ứng như một sự đột phá chiến lược về thể chế”, Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung bình luận. Theo ông, dư địa cải cách còn rất lớn và thúc đẩy cải cách chính là động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 7 đến 8%/năm trong thời gian tới.
Từ nền tảng tốt của năm 2018 và tinh thần quyết tâm cải cách của Chính phủ đang lan tỏa rộng khắp, các tổ chức nghiên cứu và giới chuyên gia đều cho rằng Việt Nam có cơ sở để lạc quan tin tưởng năm 2019 sẽ thành công mục tiêu kép, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ðể đạt mục tiêu đó, NICF kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm trong cơ cấu kinh tế. Ðó là cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.
Lưu ý đến những điểm nghẽn nội tại của nền kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiên định củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và cả vi mô nhằm tạo ra vùng đệm, giúp nền kinh tế nói chung và từng DN, từng định chế tài chính có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch; đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các DN nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; quan tâm hơn tới kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia, cải cách cơ chế thu chi ngân sách, kể cả cơ chế phân cấp thu, chi ngân sách của các địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018, Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) cũng nhìn nhận vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở chính sách tài khóa. Từ đó, cơ quan này kiến nghị Chính phủ cần tranh thủ ổn định vĩ mô để từng bước xây dựng đệm tài khóa nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.
Năm 2019 có thể coi là năm bứt phá nhằm tạo động lực cho kinh tế Việt Nam về đích vào năm 2020 nhờ vào năm động lực chính. Một là, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đem lại cơ hội cho hoạt động thương mại và tăng cường thu hút, tận dụng dòng vốn FDI. Hai là, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhất là thông qua làn sóng khởi nghiệp. Ba là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới. Bốn là, nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 thông qua các công trình, dự án quan trọng đi vào hoạt động. Năm là, quy mô dân số hơn 95 triệu dân Việt Nam cùng với số lượng khách quốc tế ngày càng tăng cao sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ tăng trưởng. Nguyễn Bích Lâm |
Phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 bổ sung thêm hai chữ: Bứt phá. Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để bứt phá thành công, dựa vào cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Khơi thông dòng vốn, nhất là dòng vốn tư nhân, vốn đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng. Tiếp tục đa dạng hóa và tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực cơ cấu ngành. Cải cách mạnh mẽ khối doanh nghiệp nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung |
Theo Nhandan
Ý kiến ()