Động lực mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế
Trong thông điệp kêu gọi bảo vệ và tôn trọng người di cư, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, người di cư hợp pháp chính là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
Tân Hoa xã ngày 19-12 đưa tin, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Người di cư (18-12 hằng năm), Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ, người di cư phải được tôn trọng “mà không bị phân biệt đối xử, bất kể họ bị ép buộc di cư, di cư tự nguyện hay được cho phép chính thức”. Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế “làm mọi việc có thể” để bảo vệ tính mạng của người di cư, xem đây là “nghĩa vụ đạo đức, pháp lý và nghĩa vụ nhân đạo cấp bách”. “Hơn 80% người di cư theo cách an toàn và có trật tự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự hiểu biết. Tuy nhiên, hoạt động di cư bất hợp pháp theo các lộ trình nguy hiểm mà những kẻ buôn người lợi dụng đang tiếp tục gây ra những hệ lụy khủng khiếp”, ông Guterres nhấn mạnh.
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số lượng người di cư quốc tế đã tăng nhanh trong 5 thập niên qua. Hiện số người di cư là hơn 281 triệu người, chiếm 3,6% dân số thế giới. Nhấn mạnh trong 8 năm qua đã có ít nhất 51.000 người di cư trên toàn cầu thiệt mạng và hàng nghìn người khác mất tích, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres hối thúc triển khai những nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, chăm sóc y tế, mở rộng và đa dạng hóa “các lộ trình di cư dựa trên quyền lợi”, đồng thời tăng cường đầu tư quốc tế vào các quốc gia nơi người dân rời đi để bảo đảm di cư “là một sự lựa chọn chứ không phải là do hoàn cảnh bắt buộc”.
Người di cư được đưa vào bờ an toàn sau một chiến dịch giải cứu ngoài khơi đảo Crete của Hy Lạp, ngày 22-11-2022. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, nhân Ngày Quốc tế Người di cư năm nay, Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh tới “sự cần thiết của việc di cư an toàn, hợp pháp”. Trong một tuyên bố, EU nêu rõ, hằng năm có khoảng 2-3 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đến EU một cách hợp pháp để làm việc hoặc học tập. Đồng thời, cũng có hàng nghìn người tìm cách đến EU theo những con đường bất hợp pháp và không an toàn. Lý do của việc di cư thì đa dạng, từ tìm kiếm cơ hội việc làm mới cho đến chạy trốn khỏi xung đột, suy thoái môi trường… “Các lộ trình an toàn, hợp pháp cho phép EU khai thác tiềm năng to lớn từ việc di cư. Di cư hợp pháp đóng vai trò then chốt đối với xã hội và nền kinh tế châu Âu. Di cư là một phương cách quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề vốn ngày càng trầm trọng ở EU. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến được khả năng kiên cường và đổi mới sáng tạo của những người di cư, trong đó, các bác sĩ, y tá, nhà khoa học ở tuyến đầu chống lại đại dịch này”, tuyên bố của EU khẳng định.
Trên thực tế, hoạt động di cư hợp pháp cho phép hàng triệu người tìm kiếm những cơ hội mới, theo đó tạo thuận lợi cho cả các cộng đồng nơi họ xuất phát cũng như cộng đồng mà họ chọn làm điểm đến. Ví dụ như trong lĩnh vực lao động, tác động tích cực đối với nơi đi là giải quyết được các vấn đề lao động dư thừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, đóng góp phát triển quê hương, tạo nguồn lao động có chất lượng khi họ trở về… Đối với nơi đến, lao động di cư sẽ bù đắp được sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển dịch vụ bởi họ đảm nhận những công việc quan trọng trong các lĩnh vực trọng yếu như chăm sóc y tế, giao thông, dịch vụ… Tuy nhiên, như Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cảnh báo, việc di cư trái phép, không kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường mà “cái giá đắt nhất” chính là mạng sống. Bên cạnh đó, nếu quản lý kém hiệu quả, việc di cư có thể làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội.
Ý kiến ()