Động lực cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó
LSO-Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là chương trình vốn có lãi suất thấp nhất trong 10 chương trình vốn cho vay ưu đãi đang thực hiện. Trong những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, đưa vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, giúp sức đắc lực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBKK có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Hòa Bình, huyện Văn Quan phát triển chăn nuôi lợn thịt |
Bắt đầu từ năm 2013, chương trình vốn cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK được thực hiện theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg. Đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn, có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức thu nhập bình quân của hộ nghèo; có phương thức sản xuất, nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, mức cho vay tăng từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng/hộ, mức lãi suất 0,1%/tháng (trước đó mức lãi suất bằng 0%), thời hạn vay tối đa 5 năm. Ngay sau khi có quy định mới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, nỗ lực tuyên truyền, giúp người dân nắm và hiểu mục đích, ý nghĩa của việc nâng mức cho vay và có lãi suất là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của hộ vay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho các hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Từ đó, sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện, Chi nhánh luôn giải ngân cho vay trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã, phê duyệt của phòng dân tộc các huyện để đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng vốn. Khó khăn trong thực hiện chương trình vốn này là đối tượng là các hộ đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, nhận thức nói chung và cách thức làm ăn còn hạn chế. Vì vậy, để sử dụng vốn có hiệu quả, cán bộ tín dụng phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức hội tích cực tư vấn, hướng dẫn về phương án, cách thức làm ăn phù hợp với điều kiện của thôn, xã; động viên, giúp đỡ các hộ vay; báo cáo tình hình sử dụng vốn… Qua đó, quan tâm xử lý nợ kịp thời, gia hạn nợ, xoá nợ theo quy định để các hộ yên tâm khắc phục rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.
Từ năm 2007 đến nay, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK trên địa bàn tỉnh đã được tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả. Hiện nay, dư nợ chương trình này hơn 12 tỷ đồng, tăng 2,2 tỷ đồng so với năm 2013 với hơn 2.150 hộ đang sử dụng vốn. Nguồn vốn cho vay chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng ưu đãi, nhưng là một chương trình vốn ưu đãi đặc biệt, có lãi suất thấp nhất trong các chương trình tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK khắc phục khó khăn, vươn lên sản xuất, thoát đói nghèo. Anh Vi Mạnh Thuỳ, Trưởng phòng kế hoạch nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Qua các đợt kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng vốn hàng năm của các phòng giao dịch và các tổ chức hội nhận uỷ thác vốn, chương trình vốn đã có hiệu quả rất thiết thực: giúp bà con có vốn mua cây giống, con giống, xây sửa chuồng trại chăn nuôi… Đặc biệt, thông qua thực hiện chương trình vốn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn được nâng cao nhận thức, biết cách đầu tư vốn có hiệu quả hơn. Nợ quá hạn rất thấp, hiện chỉ có 30 triệu đồng quá hạn do một số hộ bị mất mùa, dịch bệnh, khó khăn trong sản xuất.
Theo Quyết định 1049/QĐ-TTg, ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, hiện nay, toàn tỉnh có 161 xã đặc biệt khó khăn. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục bám sát danh sách này, đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân biết để có sự giám sát thực hiện chính sách tín dụng của nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả cho các hộ vay. Đối với các khoản nợ cũ, tiếp tục quản lý, theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn; xử lý nợ, gia hạn nợ theo quy định, đảm bảo nguồn vốn thực hiện đúng mục tiêu, giảm đói nghèo bền vững cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()