Dông, lốc gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong những ngày tới tiếp tục có mưa rào và dông vài nơi, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Hiện tượng dông, lốc, sét và gió giật mạnh tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố.
* Mưa đá kèm dông lốc xảy ra tại 11 bản của xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã làm sập đổ hoàn toàn ba nhà và kho của người dân; hơn 160 nhà bị tốc và thủng mái, gãy đổ hơn 1.200 cây ăn quả, nhiều diện tích ngô, lúa… thiệt hại ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, xã Mường Bú, huyện Mường La đã khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng di chuyển đồ đạc, sửa chữa, khôi phục nhà ở.
* Mưa lớn kèm dông, lốc bất ngờ xuất hiện tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã làm đổ cây, bị thương hai người, hư hỏng một xe máy và một ô-tô. Dự báo, năm nay mùa mưa ở miền nam đến sớm hơn khoảng từ 2 – 3 tuần, nhưng đến cuối tháng 4 mới chuyển mùa. Việc mưa lượng lớn vào thời điểm chưa đến giữa tháng 4 là khá hiếm so mọi năm, cho thấy tác động của biến đổi khí hậu.
* Ngày 13-4, UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) phối hợp chính quyền các địa phương tiếp tục giúp người dân khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do trận mưa kèm lốc xoáy gây ra. Trước đó, vào chiều 12-4, một cơn mưa kèm lốc xoáy xảy ra trên diện rộng đã làm nhiều tài sản, diện tích hoa màu, cây trái của người dân trên địa bàn huyện Định Quán bị thiệt hại. Trong đó, Phú Hòa là xã bị thiệt hại nặng nhất với 32 căn nhà bị tốc mái, 2 ha lúa và 30 ha cây ăn trái bị bật gốc, gãy đổ. Ngay sau khi cơn mưa lốc xảy ra, lực lượng công an, quân đội cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã giúp người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả.
* Ngày 13-4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu đã bàn giao sáu thuyền viên trên tàu cá BV 94339 TS bị chìm trên biển, được tàu SAR 413 cứu nạn đưa vào bờ. Trước đó, ngày 12-4, tàu cá BV 94339 TS bị phá nước và đang chìm tại vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 60 hải lý về phía nam tây nam.
* Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, lúc 16 giờ ngày 13-4, tàu SAR 412 đã đưa một thuyền viên trên tàu QNa 91180 TS bị xuất huyết dạ dày, nguy kịch khi đang hành nghề khai thác thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa về Đà Nẵng an toàn. Nhờ được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân bước đầu đã qua cơn nguy kịch, tính mạng được bảo toàn. Trung tâm Cấp cứu TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và chuyển nạn nhân vào bệnh viện tiếp tục điều trị.
* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn là hơn 44.500 ha, có gần 41 nghìn ha có nguy cơ cháy từ cấp III đến cấp V. Trong đó, cảnh báo cháy cấp IV (cấp nguy hiểm) hơn 19.480 ha và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là gần 8.000 ha. Chi cục kiểm lâm tỉnh đã cử cán bộ kiểm tra, nhắc nhở chủ rừng, người dân sống trên lâm phần ứng trực, kiểm soát người ra vào rừng, xử lý kịp thời đám cháy nếu xảy ra và không để xảy ra cháy lớn.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, trong khi dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò chưa được kiểm soát thì mới đây, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại hai xã Châu Sơn và Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ). Để chủ động, phòng, chống, đến nay, tám huyện, thành phố có dịch đã sử dụng 2.666 lít hóa chất và hơn 39.500 kg vôi bột khử trùng, tiêu độc. Tuy nhiên, việc khử trùng, tiêu độc mới chỉ thực hiện tại các hộ phát sinh dịch bệnh, việc khử trùng tiêu độc tại các bãi chăn thả còn rất hạn chế.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 con lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Đàn trâu, bò bị nhiễm bệnh nổi cục ngoài da là hơn 1.000 con. UBND tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để triển khai phòng, chống dịch. Đồng thời khuyến cáo người dân không bán chạy gia súc ốm yếu; không vứt xác chết gia súc ra ngoài môi trường; không giết mổ làm thịt những con vật ốm yếu, ăn thịt những con có dấu hiệu mắc bệnh; không cho lợn ăn những thức ăn thừa thải từ nhà hàng và không dùng nước ao, hồ chưa qua xử lý.
* Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tiêu hủy 50 con lợn giống có trọng lượng 500 kg bị dịch tả lợn châu Phi đang trên đường đưa đi tiêu thụ. Được biết, trước đó, Công an huyện Đức Thọ và Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện phát hiện xe ô-tô chở 50 con lợn giống có trọng lượng 500 kg. Kết quả xét nghiệm cho thấy số lợn này dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ba cơ sở chế biến lâm sản xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã
Ngày 13-4, lãnh đạo UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết: Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đồng Tâm TH đã thừa nhận có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã. Trước đó, trên sông Mã thuộc huyện Bá Thước liên tục xảy ra hiện trạng cá nuôi trong lồng của hộ dân và thủy sinh bị chết. Từ ngày 15-3 đến nay có hơn 15,5 tấn cá lồng của hộ dân nuôi trong lồng và khoảng 480 kg thủy sản tự nhiên trên sông Mã bị chết. Huyện Bá Thước thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Theo đó, vào ngày 12-4, đoàn công tác phát hiện tại cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH Tân Thái Thanh có một đường ống ngầm, khi đào lên thấy có nước mầu vàng đang chảy ra từ đường ống và doanh nghiệp thừa nhận có việc xả thải ra sông Mã. Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành cùng ở xã Thiết Kế cũng thừa nhận có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã vào tối 11-4. Đến thời điểm này, đoàn liên ngành của huyện Bá Thước đã phát hiện ba cơ sở chế biến lâm sản có hành vi xả nước thải ra sông, làm ô nhiễm nguồn nước trên sông Mã.
Ý kiến ()