Dông lốc gây thiệt hại cho người dân miền núi Yên Bái, Cao Bằng
Trận mưa to kèm theo dông lốc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm 2 người bị thương, 150 nhà dân bị sập đổ, tốc mái; gây thiệt hại về nhà ở và hoa màu của nhân dân Cao Bằng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trận mưa to kèm theo dông lốc đêm 19/4 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm 2 người bị thương, 150 nhà dân bị sập đổ, tốc mái.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió tây trên cao, nên chiều và đêm 19/4 rạng sáng 20/4, các khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa phổ biến 10-30 mm, có nơi trên 50mm.
Mưa to kèm theo dông lốc đã gây nhiều thiệt hại, chủ yếu ở huyện Lục Yên và huyện Văn Chấn, trong đó có 2 người bị thương nhẹ là chị Trương Thị Lên, sinh năm 1993 (thôn Loong Tra, xã Minh Xuân) và ông Triệu Văn Định, sinh năm 1959 (thôn 10, xã Động Quan) đều của huyện Lục Yên.
Cùng với đó, 150 nhà ở và 2 nhà xưởng đã bị sập đổ và tốc mái, trong đó huyện Lục Yên có 147 nhà với 3 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 1 hội trường thôn ở xã Tân Lĩnh bị tốc mái, 1 nhà xưởng ở xã An Phú sập hoàn toàn; huyện Văn Chấn có 3 nhà tốc mái.
Mưa, dông lốc cũng làm thiệt hại hơn 224ha ngô và cây lâm nghiệp (trong đó có 192,9ha ngô; 31,8ha cây lâm nghiệp); chết 1 con gia súc... ở huyện Lục Yên. Ước thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban Nhân dân các huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục thiệt hại để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thương.
Đến 15 giờ ngày 20/4, các nhà tốc mái cơ bản đã được khắc phục. Riêng đối với các nhà bị sập đổ hoàn toàn, địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để giúp các hộ gia đình dọn dẹp vệ sinh, dựng lán tạm, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
Huyện Lục Yên là địa phương liên tiếp bị 2 đợt thiệt hại do mưa lớn chỉ trong 3 ngày gần đây. Trước đó, trận mưa to kèm dông lốc xảy ra lúc 21 giờ đêm 17/4 trên địa bàn huyện này cũng đã khiến 1 người bị thương, 56 nhà tốc mái, gần 300 ha hoa màu bị gãy đổ.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết, vào đêm 19, rạng sáng 20/4, trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng) đã xảy ra mưa dông, lốc gây thiệt hại về nhà ở và hoa màu của nhân dân.
Dông lốc khiến 903 nhà ở bị tốc mái, trong đó, huyện Nguyên Bình 10 nhà; huyện Trùng Khánh 153 nhà; huyện Quảng Hòa 300 nhà; huyện Hạ Lang 421 nhà; huyện Hòa An 19 nhà.
Điểm trường Trường Mầm non Chí Thảo (xã Chí Thảo), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Háng Chấu (xã Cai Bộ, huyện Quảng Hòa); cổng trường Trường Trung học cơ sở Triệu Nguyên (xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình); Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa) bị tốc mái, đổ gẫy.
Dông lốc cũng gây thiệt hại về nông, lâm nghiệp với trên 131 ha cây ngô bị gẫy đổ (huyện Hòa An 1 ha; huyện Hạ Lang 10,48ha; huyện Quảng Hòa 119,9ha); 150 cây chuối; một số cây lâm nghiệp lâu năm bị đổ, gẫy. Lưới điện hạ thế tại xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa bị đứt; 10 chuồng trại gia súc; 2 nhà bếp tại huyện Hòa An bị hư hỏng tốc mái.
Bà Ma Thị Huyền Linh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết, ngay sau khi nắm được thiệt hại do thiên tai gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai của tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo cùng chính quyền các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ; đồng thời khẩn trương khắc phục các ngôi nhà bị hư hỏng để ổn định chỗ ở cho người dân./.
Ý kiến ()