Đông Hòa Hiệp - vùng đất của du lịch cộng đồng
Làng Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nằm ở trung tâm du lịch huyện Cái Bè, có các ngôi nhà cổ, những vườn trái cây đa dạng…, là địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy người dân trong làng có kinh nghiệm làm du lịch song để du lịch cộng đồng nơi đây phát triển không lệch hướng, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Lợi thế về “địa lợi-nhân hòa”
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, làng cổ Đông Hòa Hiệp, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vườn cây trái sông nước mênh mông.
Các nhà cổ không liên kết nhau tạo thành một phố như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Phước Tích (Huế) mà cách nhau bởi những vườn cây ăn trái xanh tươi quanh năm.
Bên cạnh đó, phát triển làng cổ không thể tách rời các làng nghề truyền thống làm cốm, tráng bánh, cán bánh phồng sữa vì đây là hình thức sản xuất đặc trưng của người Nam Bộ cũng như người làng Đông Hòa Hiệp. Cùng với đó, các lợi thế về địa hình để khai thác du lịch lại không bị phân tán mỗi sản phẩm ở một nơi khác nhau nên phát triển du lịch cộng đồng nơi đây có khác so với những nơi khác.
Tham quan chợ nổi Cái Bè lúc trời vừa hửng sáng, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng cảnh các đoàn thuyền ăm ắp hàng hóa ra vào nhộn nhịp. Chợ được biết đến như trạm trung chuyển lớn đến các tỉnh miền Tây và miền Đông, hình thành từ thời nhà Nguyễn.
Ngày nay, chợ nổi Cái Bè trở thành một trong những chợ đầu mối trái cây lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Khi những tia nắng bắt đầu rọi xuống mặt sông, cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến các điểm tham quan trong làng cổ.
Các đơn vị lữ hành đã liên kết với các hộ dân là những người thợ lành nghề trong làng, hình thành nên các điểm tham quan thú vị. Vừa thưởng thức ly mật ong ngọt lịm thơm mùi nhãn chúng tôi được nghe anh Đồng Văn Tuấn (thợ nuôi ong) thuyết minh về cách nuôi ong.
Anh tâm sự tận dụng các vườn cây ăn trái, cư dân vùng này từ xa xưa đã biết cách nuôi ong lấy mật. Nhờ sự đa dạng các loại cây ăn trái, mùa nào trái ấy, hương vị mật ong trong vùng cũng thay đổi theo mùa. Đó chính là điểm thú vị của mật ong vùng này. Nhận thấy có thể quảng bá sản phẩm mật ong của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư làm du lịch, kết hợp bán mật ong cho khách, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Niềm vui nhân đôi khi thương hiệu mật ong của anh được nhiều người biết đến, tìm mua với số lượng lớn.
Ghé qua địa điểm tráng bánh, chúng tôi được đóng vai những người thợ “không chuyên” khi được tham gia tráng bánh cùng dì Bảy (tên thật Trương Thị Nơi, 52 tuổi). Nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách pha bột gạo để tráng bánh, dì Bảy chia sẻ: Bánh tráng Cái Bè nổi tiếng vừa mỏng, vừa giữ được độ dai, nguyên liệu từ gạo ngon không pha lẫn bột mì. Lúc phơi nắng phải thường xuyên khoát nước lên mặt bánh để bánh không bị giòn. Đây là nghề truyền thống của nhiều nhà trong vùng.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, dì vừa là người thợ, vừa là “thầy” tận tình chỉ dạy cho những ai muốn học. Không giấu được sự ngạc nhiên khi nhìn thấy dì Bảy tráng bánh, anh Trương Thanh Long (Việt kiều Thụy Sĩ) cho biết: “Tôi đã đi du lịch nhiều nơi ở Việt Nam, danh lam thắng cảnh nào cũng đã đặt chân tới nhưng tôi vẫn muốn đi sâu tìm hiểu văn hóa của người Việt tại những làng quê yên bình như thế này.”
Làn gió mát thổi từ sông xua tan đi cái nóng buổi trưa Hè. Sải bước dưới những tán lá cây xum xuê mát mát rượi, vài phút sau chúng tôi đã có mặt tại một trong số ngôi nhà cổ tại đây.
Khác nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt với kiến trúc đặc trưng của người Nam Bộ, nhà cổ của ông Ba Đức (tức Phan Văn Đức, đời thứ 6 của gia tộc họ Phan) có lối kiến trúc hài hòa, kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Xây dựng từ năm 1850, trong nhà vẫn còn giữ tủ gỗ, bộ bàn ghế bằng gỗ lim có từ năm 1924.
Theo ông Đức, có được những vật dụng quý này, người xưa về tận Huế, thuê thợ tại đây trạm trổ sau đó vận chuyển từng tấm gỗ bằng đường sông về tới đây mới cho ghép lại. Sưu tầm đồ gỗ với hoa văn lạ cầu kỳ, đó là kiểu “giải trí” của những gia đình giàu có thời xưa.
Sau khi tham quan toàn bộ ngôi nhà cổ, anh Nick Giordano – người Mỹ nhận xét: “Tôi thích tìm hiểu nghiên cứu văn hóa lịch sử người Việt Nam thông qua hình thức du lịch này hơn vào tham quan các bảo tàng vì tôi được trò chuyện trực tiếp với người dân, được sờ vào các hiện vật chân thật mà không phải bảo tàng nào cũng có thể lưu giữ. Người dân làng Đông Hòa Hiệp hiền hòa, hiếu khách đôn hậu, có kinh nghiệm và mạnh đầu tư làm du lịch, đó cũng chính là lợi thế về nhân hòa để thu hút bà con chung tay phát triển du lịch địa phương.”
Người dân chưa thật sự hưởng lợi từ du lịch
Trung bình hàng năm có khoảng 100.000 lượt khách đến làng Đông Hòa Hiệp, trong đó hơn 90 % khách tham quan các làng nghề, khoảng 50% khách tham quan nhà cổ. Từ nhiều năm trước, làng Đông Hòa Hiệp đã khai thác du lịch nhưng chủ yếu mang tính tự phát, các hộ dân tự liên kết với các công ty du lịch hình thành nên sản phẩm du lịch theo yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của khách tham quan. Chính vì vậy, có hộ dân giàu lên nhờ biết cách kinh doanh, có hộ lại “thất thu”, số khác chưa có điều kiện tham gia làm du lịch.
Từ năm 1995, ông Ba Đức đã tận dụng nhà mình, khai thác hình thức du lịch Homestay (khách du lịch cùng ăn nghỉ tại nhà dân, tham gia các công việc gia đình cũng như các lễ hội của địa phương). Nhận thấy du khách đến và có nhu cầu ở lại ngày càng tăng (có ngày hơn 600 lượt khách), ông đã bỏ hơn vài tỷ đồng để xây thêm các khu vực phục vụ ăn uống ngay tại vườn để du khách có thể thưởng thức ẩm thực Nam Bộ. Ông cũng xây thêm các phòng nghỉ để những du khách muốn trải nghiệm nếp sống giản dị của người dân thôn quê có thể ở lại.
Để có được cơ ngơi như vậy, ông Ba Đức đã bỏ ra nhiều thời gian công sức tìm hiểu thông tin, nghiên cứu cách làm du lịch theo hình thức này ở nhiều nơi. Ông cũng tự liên kết với các công ty du lịch để đón khách. Nhờ nguồn thu từ vườn trái cây, từ làm du lịch, đến nay ông đã trở thành tỷ phú miệt vườn. Gia đình ông là một trong số ít những hộ giàu lên nhờ du lịch.
Các công ty du lịch chỉ trả chi phí trà nước cho các điểm liên kết, những chi phí khác (chi phí nguyên liệu làm ra sản phẩm cho khách xem, chi phí vận chuyển nhiên liệu đốt, công sức…) người dân tự trang trải. Thu nhập từ việc tham gia kinh doanh du lịch thấp, dẫn tới người dân làm các nghề truyền thống không tha thiết với việc làm du lịch.
Dì Bảy trăn trở, đối với những nghề thủ công như làm cốm, tráng bánh tráng, bánh phồng sữa…khách du lịch chỉ tới tham quan, ít khi mua sản phẩm. Hầu hết, người dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ những sản phẩm đã làm cho du khách tham quan nhưng đây là những sản phẩm riêng lẻ, lượng tiêu thụ thấp. Vào mùa mưa không có nắng để phơi bánh, nếu là hộ dân không làm du lịch họ sẽ tạm ngưng công việc hoặc chỉ tráng bánh với số lượng ít hơn mùa nắng. Song những hộ làm du lịch lại không thể tự điều tiết sản phẩm làm ra, cứ có khách vào họ phải tráng bánh cho khách xem. Bánh phơi gió lại không ngon, chất lượng bánh giảm, giá thấp hơn trong khi giá nguyên liệu lại tăng. Thậm chí có ngày bánh làm ra không kịp phơi phải bỏ. Người dân không thể có lời.
Ông Nguyễn Văn Liêm, hộ dân làm bánh phồng sữa cho biết thêm, cách đây hai năm, gia đình ông cũng mướn mặt bằng gần bờ sông kết hợp du lịch nhưng buôn bán ế ẩm. Sau đó, ông quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà, làm ăn lại có lời hơn hẳn. Một tháng ông thu về hơn 10 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí khác.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cái Bè cho rằng sự phân chia lợi nhuận không cân bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và người dân tham gia du lịch. Bà con chưa thực sự được hưởng lợi từ du lịch là nguyên nhân làm cho người dân “quay lưng” với du lịch”.
Làng Đông Hòa Hiệp có 6 ấp với hơn 3.000 hộ sinh sống dựa vào vườn, vào các nghề thủ công truyền thống, trong đó có hơn 8 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm. Thế nhưng, số hộ tư nhân các làng nghề làm du lịch chưa nhiều, chỉ có hai ngôi nhà cổ đang được khai thác du lịch.
Muốn phát triển du lịch tại làng, biến tiềm năng thành thực tế, cần sự tham gia của cộng đồng. Hiện tại, huyện Cái Bè đang tập trung tuyên truyền về lợi ích khi tham gia làm du lịch, kêu gọi người dân cùng tham gia đóng góp xây dựng giao thông, giữ gìn cảnh quan môi trường, thiết lập nhóm du lịch dựa vào cộng, đồng góp phần cho sự tăng trưởng nông nghiệp của làng…
Đây là những bước làm ban đầu nằm trong “Dự án hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua Du lịch di sản” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ quản, tiến hành từ năm 2011-2013 tại làng Đông Hòa Hiệp, làng cổ Đường Lâm, làng Phước Tích. Với những hướng đi đúng đắn, vững chắc, thời gian tới du lịch cộng đồng tại làng Đông Hòa Hiệp sẽ tiếp tục khởi sắc.
Ý kiến ()