Đồng hành xây dựng nông thôn mới
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thụ phấn cho dưa |
Ông Hoàng Văn Du, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2016, được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KHCN) giới thiệu, hướng dẫn và cung cấp giống gà siêu trứng Ả – rập, gia đình tôi mạnh dạn chăn nuôi 100 con gà giống này. Nhờ gia đình áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nên sản phẩm trứng gà có tỷ lệ lòng đỏ cao, chất lượng thơm, ngon được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn trứng gà thường. Nhờ đó, mỗi tháng giá đình có thêm khoản thu nhập khoảng 3 triệu đồng.
Đó chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà sở KHCN đã và đang triển khai nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập, đẩy nhanh quá trình XDNTM. Sự đồng hành của KHCN với nông dân có thể kể đến như: áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu trong trồng cây khoai tây tại huyện Lộc Bình. Với phương pháp này, nông dân không mất nhiều công làm đất, đặc biệt, củ khoai tây khi thu hoạch không có nhiều mắt dễ làm sạch vỏ nên các công ty chế biến thực phẩm rất ưa chuộng. Cùng đó, việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi giúp nông dân giảm nhân công vệ sinh chuồng trại, khử mùi hôi trong chăn nuôi giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí. Các mô hình: trồng nho công nghệ cao, nuôi gà 6 ngón, trồng gừng núi đá, xoài ăn xanh…
Chỉ tính riêng năm 2017, Sở KHCN nghiên cứu và chuyển giao 46 đề tài, dự án phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình XDNTM. Trong đó, nổi bật như duy trì công nghệ đã tiếp nhận trong lĩnh vực công nghệ sinh học như: các giống khoai tây, nấm ăn, nấm dược liệu trong phòng nghiệm, cấy chuyển các giống lan thạch hộc, lan kim tuyến, ba kích, chuối tiêu hồng, địa lan… nhằm chủ động nguồn tế bào gốc phục vụ nuôi cấy mô. Đặc biệt, sở chuyển giao kỹ thuật trồng gừng núi đá bằng phương pháp nuôi cấy mô cho nhân dân các xã của huyện Bắc Sơn; sử dụng chế phẩm sinh học Bio – Mix khử mùi hôi chuồng trại tại các huyện: Văn Quan, Tràng Định, Chi Lăng, Cao Lộc; trồng nấm ăn tại các huyện: Tràng Định, Lộc Bình, Bình Gia; trồng khoai tây tại: Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định, Chi Lăng. Tại các huyện, KHCN cũng được áp dụng để triển khai 200 mô hình trồng cây ăn quả, cây lương thực, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KHCN cho biết: Tham gia XDNTM là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của sở. Chúng tôi đang triển khai 30 đề tài dự án; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có đến 13 đề tài, dự án, còn lại là các đề tài dự án trong lĩnh vực y dược, xã hội, nhân văn… Từ đầu năm 2018 đến nay, cùng với thực hiện đề tài, dự án, chuyển giao KHCN cho các xã, huyện; Sở KHCN phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển vùng tiến hành khảo sát điều kiện ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM tại 3 huyện: Hữu Lũng, Tràng Định, Đình Lập. Theo đó, Sở KHCN sẽ hỗ trợ các huyện xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm đặc sản địa phương như: măng bát độ, mít, bưởi, dứa, thạch đen, ba kích, chè hoa vàng, sa nhân… Đặc biệt với những xã đạt dưới 5 tiêu chí về nông thôn mới của các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tiến hành khảo sát tình hình sản xuất của người dân. Từ đó định hướng nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
KHCN là chìa khóa giúp nông dân thành công. Sở KHCN đã và đang tích cực nghiên cứu, thử nghiệm, đưa ra những phương pháp nuôi trồng cho hiệu quả cao nhất để nông dân áp dụng, nâng cao thu nhập. Tin rằng những nỗ lực của ngành sẽ giúp nông dân giải quyết khó khăn, tìm ra phương pháp sản xuất hiện quả.
Ý kiến ()