Đồng hành với tăng trưởng xanh
Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là mục tiêu mà nhiều quốc gia đang hướng tới, trong đó có nước ta. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự góp phần của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong việc xem xét quá trình quản lý, sử dụng vốn.
Nguồn lực tài chính huy động còn thấp
Theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giai đoạn 2011-2021, nước ta đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên, môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam cần khoảng 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân-khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.
Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, tuy Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện tăng trưởng xanh thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong thời gian tới. Đặc biệt là theo các mục tiêu cụ thể của chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chúng ta cần phải nhận diện những điểm nghẽn, cơ hội trong thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, nhất là về thể chế và nguồn lực; những giải pháp, khuyến nghị chính sách để triển khai chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh một cách hiệu quả.
Đánh giá về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, nước ta cần đặc biệt chú trọng đến nguồn lực tài chính và con người trong triển khai kế hoạch nhằm đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ứng phó với nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Còn một số bất cập về cơ chế, chính sách
Thông qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 do KTNN thực hiện năm 2021, KTNN đã có những phát hiện, đánh giá và khuyến nghị hữu ích để nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. KTNN ghi nhận, tổng số vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 được duyệt là 15.866 tỷ đồng, gồm 15.470 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 396 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Vốn đầu tư phát triển đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 15.223 tỷ đồng; đã bố trí hằng năm là 15.120 tỷ đồng và giải ngân là 12.365 tỷ đồng. Vốn sự nghiệp dự kiến bố trí là 357 tỷ đồng, số đã giao là 231 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương đã giải ngân là 1.658 tỷ đồng.
KTNN đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 theo nhiệm vụ được giao là chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thẩm định, cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển của Chương trình (trong vai trò chủ Hợp phần Tăng trưởng xanh). Các đơn vị được bố trí vốn thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng để thực hiện các mục tiêu, nội dung đề ra. Các dự án, nhiệm vụ đã hoàn thành góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và tài sản.
Thông qua xem xét quá trình quản lý, sử dụng vốn của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, KTNN chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách. Trong đó có bất cập về thời gian hoàn thành các dự án phát triển rừng. Theo quy định trong Hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng tại Quyết định số 1205/QĐ-BNN-TCLN ngày 8-4-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các dự án trồng rừng cần 4-5 năm để triển khai các bước: Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số dự án phát triển rừng mới được triển khai vào năm 2019, 2020 nên không đủ thời gian hoàn thành trong thời hạn thực hiện Chương trình (từ năm 2016 đến 2020).
Để tiếp tục đưa ra những đánh giá toàn diện, sâu sắc, năm 2024, KTNN tiếp tục thực hiện kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ninh, Điện Biên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ý kiến ()