Đồng hành với các phong trào của địa phương
Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn Với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn triển khai con đường hành đạo của mình; thực hiện các tôn chỉ pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích của dân tộc, nhân dân, tích cực hưởng ứng các hoạt động từ thiện xã hội, đồng hành với các phong trào của địa phương.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo tỉnh trao bức trướng của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Phật giáo Việt Nam năm 2016 |
Điểm nổi bật trong 5 năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTSGHPGVN) tỉnh Lạng Sơn đã làm tốt công tác vận động phật tử và nhân dân quyên góp tài chính, lương thực, đồ dùng ủng hộ các quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tham gia đóng góp hàng trăm triệu đồng vào các quỹ từ thiện xã hội của địa phương và tổ chức nhiều hoạt động tặng quà, tri ân các đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, BTSGHPGVN tỉnh đã phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền vận động phật tử, nhân dân gương mẫu chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước như: phối hợp với Công an tỉnh đến trại tạm giam để nói chuyện, tặng quà, động viên các phạm nhân tích cực cải tạo để sớm được trở về hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với Uỷ ban MTTQ, Công an thành phố Lạng Sơn tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến về Luật Giao thông đường bộ, Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo trái phép. BTSGHPGVN tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động phật tử chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường; vận động nhân dân, phật tử không vứt rác và đồ thờ cúng xuống sông Kỳ Cùng trong các dịp tết ông Công, ông Táo. Phật giáo tỉnh đã xây dựng mô hình tang lễ theo Phật giáo cổ truyền, vận động nhân dân bỏ đi các hủ tục rườm rà, tốn kém, mê tín dị đoan như: các hủ tục trong tang ma, không làm nhà táng, không rắc vàng tiền, không để linh cữu người chết lâu ngày tại gia đình; không đốt đuốc gây cháy rừng, không đọc điếu văn ngoài đường gây ách tắc giao thông, không xem bói gọi hồn… Kết quả, hằng năm có trên 95% số hộ gia đình phật tử đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Nhằm tôn vinh các phật tử cao tuổi và giáo dục các thế hệ con cháu sống hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, Phật giáo tỉnh thường niên tổ chức các buổi lễ mừng thọ cho các phật tử vào ngày 13 tháng Giêng để con cháu các phật tử đang sinh sống trên mọi miền tổ quốc và ở nước ngoài về quê hương, gia đình để bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà của mình. Đại lễ mừng thọ đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt về hiếu đạo và được sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “lễ mừng thọ lớn nhất Việt Nam”.
Trong 5 năm qua, với sự đoàn kết, dân chủ, đổi mới của tập thể BTSGHPGVN tỉnh, công tác lãnh đạo điều hành phật sự ổn định, không để xảy ra các vụ việc phức tạp; số lượng tín đồ, phật tử tăng cả về số lượng và chất lượng, hiện tại có trên 13.000 tín đồ; trong đó, số phật tử trẻ trên 6.000. Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với tín đồ phật tử có nhiều chuyển biến, cụ thể đã thực hiện trên 400 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 160.000 lượt người tham dự; tổ chức thành công và đảm bảo an toàn tuyệt đối hàng trăm buổi lễ diễn ra trong và ngoài khuôn viên trụ sở Ban Trị sự, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Cùng với các hoạt động trên, trong 2 năm gần đây, Hội Phật giáo tỉnh đã nỗ lực vận động nhân dân quyên góp xây dựng và hoàn thành chùa Tân Thanh trong thời gian 150 ngày với tổng đầu tư trên 125 tỷ đồng. Ngôi chùa đi vào hoạt động là điểm phục vụ du lịch gắn với tâm linh cho đồng bào và nhân dân khi đến với cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.
Với những kết quả đó, trong 5 năm qua, tập thể BTSGHPGVN tỉnh và các thành viên Ban Trị sự đã được các cấp từ Trung ương đến tỉnh tặng trên 70 lượt bằng khen. Trong đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho BTSGHPGVN tỉnh; năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho 2 cá nhân; UBND tỉnh tặng 16 bằng khen cho tập thể Ban Trị sự và các cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động phong trào của địa phương.
T.Q.T
Ý kiến ()