Đồng hành thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
– Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cùng với cả nước, thời gian qua, việc thực hiện phong trào trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút sự quan tâm, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, góp phần khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Để phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện hiệu quả, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện. Đồng thời phong trào được triển khai sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững… Qua đó, thu hút đông đảo cơ quan, doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, nhiều nguồn lực được huy động để xây dựng hạ tầng tại các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn cùng các nhà tài trợ, chính quyền huyện Bắc Sơn cắt băng khánh thành bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Bắc Sơn
Đơn cử như thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư cho chương trình đạt trên 607 tỷ đồng (ngân sách trung ương phân bổ gần 570 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng gần 38 tỷ đồng). Từ nguồn vốn trên, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của tỉnh đã chỉ đạo, phân bổ nguồn vốn đầu tư, triển khai thực hiện 7 dự án gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội tại huyện Bình Gia, Văn Quan; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin và dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá chương trình. Thực hiện chương trình, đến nay đã có hàng nghìn công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng tại các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các tổ chức chính trị, đoàn thể cùng chính quyền địa phương trong tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng được 700 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa với tổng trị giá trên 21 tỷ đồng…
Ông Hứa Văn Tỉnh, thôn Khun Pàu, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Năm 2019, tôi được hỗ trợ trồng 400 cây hồng vành khuyên giống từ dự án giảm nghèo. Nhờ được xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc hồng, đến nay, vườn hồng nhà tôi đạt tỷ lệ sống 100%, năm 2021 đã cho thu hoạch gần 1 tạ quả, năm 2022 thu hoạch hơn 3 tạ quả với giá bán trung bình là 15 nghìn đồng/kg. Nhờ có cây vành hồng khuyên, gia đình có thêm thu nhập, có điều kiện phát triển sản xuất. Gia đình tôi phấn đấu thoát nghèo trong năm 2023 này.
Hay như dịp Tết Qúy Mão 2023, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng gần 50.000 suất quà tổng trị giá trên 24 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội… trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Chung tay vì người nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của Ủy ban MTTQ tỉnh. Hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo”; huy động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị quyên góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; trực tiếp làm cầu nối, gắn kết giữa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với người nghèo. Đồng thời, hiệp thương với các tổ chức thành viên để xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo, các tổ hợp tác, tổ liên kết ngay tại cộng đồng. Qua đó, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống đạo lý “tương thân, tương ái”, giúp kết nối và lan tỏa những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo.
Cùng với nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, Nhân dân đã đóng góp tiền, vật liệu, ngày công lao động… để xây dựng NTM. Đơn cử năm 2022, Nhân dân tự nguyện hiến gần 56.000 m2 đất, đóng góp trên 115.000 ngày công và tiền mặt với tổng trị giá hơn 47 tỷ đồng để làm đường, công trình công cộng… Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sinh kế cho người nghèo như hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo… để tạo việc làm, giúp các hộ giảm và thoát nghèo bền vững, góp phẩn giảm số hộ nghèo trên địa bàn, năm 2022, toàn tỉnh còn 8,92% hộ nghèo, giảm 3,2% so với năm 2021…
Có thể nói, phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, diện mạo các xã, thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.
Ý kiến ()