Đồng hành tháo gỡ khó khăn cho chủ trang trại trẻ miền núi phía Bắc
Tìm hướng đi cho các trang trại trẻ, giải bài toán đầu ra cho những ông chủ tuổi đôi mươi mới lập nghiệp là nội dung chính của Hội nghị Chủ trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra ngày 27/5 tại Yên Bái.
Tìm hướng đi cho các trang trại trẻ, giải bài toán đầu ra cho những ông chủ tuổi đôi mươi mới lập nghiệp là nội dung chính của Hội nghị Chủ trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra ngày 27/5 tại Yên Bái.
Số trang trại ít nhất nhưng thu từ trang trại lại cao nhất
Dẫn kết quả tổng hợp sơ bộ của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long cho biết, hiện nay, trung du và miền núi phía Bắc có số trang trại ít nhất cả nước, với 587 trang trại, chiếm tỷ lệ 2,9%, đa số là trang trại chăn nuôi.
Hội nghị Chủ trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc – Ảnh: Minh Châu |
Tuy có số trang trại thấp nhất nhưng tổng thu sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân một trang trại ở vùng này lại cao nhất cả nước, tương đương 2,868 tỷ đồng; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng với 2,519 tỷ đồng, Đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 tỷ đồng và thấp nhất là Tây Nguyên với 1,315 tỷ đồng. Một kết quả tích cực khác, đó là trong tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ, tỷ suất sản phẩm hàng hoá do các trang trại bán ra chiếm tới 98,1%.
Thiếu vốn, thiếu thông tin và thiếu cả đầu ra cho sản phẩm
Dù thực tế đã khẳng định, kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá ở miền núi phía Bắc, tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra mô hình trang trại chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình nông dân và gia đình cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu. Sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều.
Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất cũng như tìm hiểu thị trường đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ.
Đồng ý với nhận định trên, PGS.TS Bùi Bằng Đoàn, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội khẳng định, khó khăn với các chủ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu là vốn và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn) Nguyễn Anh Tuấn bổ sung: “vốn, kỹ thuật là hai vấn đề cơ bản song các bạn thanh niên nông thôn khi lập nghiệp vẫn còn thiếu kiến thức quản lý kinh tế”.
Nhiều năm gắn bó với người nông dân, đi tới nhiều vùng miền, chuyên gia nông nghiệp GS.TS Nguyễn Lân Hùng nhận định, cái khó với thanh niên miền núi là chưa tiếp cận được với những cây, con mới.
Lấy ví dụ về Thanh long ruột đỏ nếu được trồng thay cho sắn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc; đất, khí hậu như cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) rất phù hợp để cho ra đời những quả bơ nặng tầm 1,2kg, mua gốc là 30.000 đồng/kg, 1 cây thu khoảng 8 tạ, GS, TS. Nguyễn Lân Hùng lạc quan, nếu tiếp cận được thông tin thì “cũng những mảnh đất ấy với ý chí quyết tâm của các bạn sẽ khác, tiền không để đâu cho hết, miền núi còn giàu hơn miền xuôi”.
Từ bài học nuôi dê của Bắc Kạn, một số mô hình lúc đầu rất hiệu quả đến khi nhân rộng đại trà thì lại phá sản gần hết, Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thị Hiền nhắn nhủ tới chủ các trang trại trẻ: “nếu phát triển đại trà thì phải xác định những cây, con thị trường có nhu cầu cao, nếu biết đưa kiến thức khoa học kỹ thuật vào áp dụng thì còn hiệu quả hơn rất nhiều lần”.
Bí thư Tỉnh Đoàn Điện Biên Vừ A Bằng nêu thực tế bản thân nhà anh cũng như các nhà xung quanh trồng rất nhiều mận. Mùa này mận chín, rụng đầy vườn nhưng người dân chẳng buồn nhặt bán, bởi bán chẳng bao nhiêu do bị tư thương ép giá.
Tìm hướng đi trong sản xuất, đầu ra cho sản phẩm đang là mối quan tâm của nhiều chủ trang trại trẻ |
Chủ trang trại trẻ Trần Văn Phương đến từ Đồng Hỷ (Thái Nguyên) trải lòng: “tìm đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã khó nhưng khi khẳng định được giá trị trên thị trường thì nhiều người lại bị mất thương hiệu”. Thủ lĩnh thanh niên Điện Biên Vừ A Bằng cũng tâm sự: “Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của các trang trại trẻ là điều mà anh đang trăn trở cùng với việc nhân rộng các buổi tọa đàm lắng nghe ý kiến các hộ thanh niên làm kinh tế và mời các chuyên gia tập huấn cho họ về kiến thức quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật”.
Cần có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn
Tiếp cận từ góc độ các chủ trang trại trẻ lập nghiệp vẫn còn thiếu thông tin, GS, TS. Nguyễn Lân Hùng gợi ý, Tỉnh đoàn nên mở các hiệu sách hướng đến đối tượng là nông dân trẻ: “Nông dân rất khao khát khoa học kỹ thuật… Nếu mở hiệu sách riêng cho họ chắc chắn họ sẽ tới”.
Nói về vấn đề rất quan trọng là vốn, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn Nguyễn Hoàng Tùng cho rằng, để giải quyết vấn đề vốn cho thanh niên thì việc tận dụng nguồn vốn 120 của Chính phủ qua kênh của tổ chức Đoàn là rất cần thiết.
Bản thân cũng từng loay hoay với bài toán tìm đầu ra, Bồ Xuân Tân– tân Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc đặt vấn đề: “Đoàn, Hội cần phối hợp chặt chẽ với các chủ trang trại trẻ để tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Còn theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, phát triển trang trại trẻ là một giải pháp của Đoàn, Hội trong việc đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp. Việc Trung ương Hội LHTN Việt Nam thành lập câu lạc bộ Trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc – câu lạc bộ trang trại trẻ quy mô khu vực đầu tiên trên cả nước chính là cách để Đoàn, Hội tập hợp, hỗ trợ các chủ trang trại trẻ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng thẳng thắn, “nhiều người nghĩ vai trò của tổ chức Đoàn, Hội mờ nhạt ở đây. Thực tế, tiếng nói của Đoàn, Hội có sức nặng để các trang trại trẻ tạo dựng được thương hiệu. Đoàn cũng có nguồn lực giúp các bạn ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, tháo “nút thắt” cho đầu ra. Nguồn vốn 120 của Chính phủ đang được rà soát dành tập trung cho những mô hình kinh tế có hiệu quả”.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()