Đồng hành, san sẻ gánh nặng với người bệnh
- Để người mắc bệnh lao giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, thời gian qua, những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội như: Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), Chương trình chống lao Quốc gia, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… đã trở thành “điểm tựa” vững chắc để người mắc bệnh lao yên tâm điều trị bệnh.
Bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn nhận quà hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023
Bệnh lao cần thời gian điều trị kéo dài và đòi hỏi chi phí điều trị lớn, thời gian điều trị từ 6 tháng, thậm chí 2 năm đối với các trường hợp lao kháng thuốc. Ở Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đa số những người mắc bệnh lao thuộc độ tuổi lao động và nhiều người trong số họ thuộc hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn.
Phát hiện bản thân mắc bệnh lao trong một đợt khám sàng lọc tại Trạm Y tế xã vào hồi tháng 11/2023, anh H.V.K, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn không khỏi lo lắng vì bản thân anh K là lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn, nay mắc thêm bệnh, khả năng lao động giảm gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập.
Anh K cho biết: Sau khi phát hiện bệnh, tôi đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Trong thời gian điều trị, rất may nhờ có BHYT nên tôi được chi trả 80% tiền thuốc, tôi chỉ cần lo chi phí ăn uống, đi lại, giúp tôi giảm được gánh nặng về kinh tế, yên tâm điều trị. Qua thời gian điều trị theo phác đồ của bác sĩ, đầu tháng 3/2024, tôi đã được xuất viện, hiện tôi vẫn đang duy trì uống thuốc nên sức khoẻ dần đã ổn định.
Không chỉ anh K, hơn 780 bệnh nhân mắc bệnh lao trên địa bàn tỉnh cảm thấy an tâm hơn khi có sự đồng hành của Quỹ BHYT. Từ năm 2023 đến nay, Quỹ BHYT đã thanh toán chi phí điều trị cho 100% người mắc bệnh lao có thẻ BHYT với 2.530 lượt bệnh nhân, tổng số tiền trên 11,7 tỷ đồng.
Ông Nông Văn Hoan, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết: Sau 2 năm thực hiện Thông tư số 36/2021/TT-BYT của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục khẳng định tính ưu việt của chính sách BHYT đối với người bệnh có thẻ BHYT nói chung và người mắc bệnh về lao nói riêng. Để BHYT thực sự trở thành “điểm tựa” của bệnh nhân lao, thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với người mắc bệnh lao, lao kháng thuốc, nghi mắc lao, lao tiềm ẩn và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám chữa bệnh lao theo Thông tư số 36 và các quy định của pháp luật về BHYT; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chủ động mua BHYT tự nguyện… Qua đó, đảm bảo đủ quyền lợi của bệnh nhân nói chung, trong đó có bệnh nhân lao trong khám chữa bệnh, sử dụng thuốc điều trị.
Cùng với Quỹ BHYT, Quỹ PASTB cũng đồng hành cùng bệnh nhân lao chiến thắng bệnh tật khi hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những bệnh nhân lao chưa có thẻ. Tại Lạng Sơn, Quỹ PASTB được triển khai từ năm 2019, đến nay, toàn tỉnh đã phát động 4 đợt nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB với tổng số trên 1.900 tin nhắn, tương ứng số tiền gần 39 triệu đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 7 bệnh nhân lao; hỗ trợ điều trị cho 4 bệnh nhân lao điều trị nội trú và 5 bệnh nhân lao điều trị ngoại trú lao với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.
Bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ mua thẻ BHYT
Cùng với đó, Chương trình chống Lao Quốc gia hỗ trợ thẻ BHYT, quà cho bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, chương trình đã tặng 40 suất quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 1 bệnh nhân lao điều trị ngoại trú; hỗ trợ mua thẻ BHYT cho nhóm dễ tổn thương từ nguồn Quỹ toàn cầu cho 4 trường hợp.
Bên cạnh sự đồng hành, chia sẻ từ các nguồn quỹ nói trên, bệnh nhân lao còn nhận được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các đơn vị, nhà hảo tâm. Bà Nông Thị Vinh, Trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hằng tháng, bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị nội trú tại bệnh viện luôn nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, nhà hảo tâm, các tổ thiện nguyện như: Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ 900 suất cháo/tháng; Tổ Thiện tâm (thành phố Lạng Sơn) hỗ trợ gần 300 suất cơm/tháng cho bệnh nhân lao điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, một số đơn vị đã tặng các suất quà tết cho bệnh nhân lao có điều kiện khó khăn. Qua đó đã góp phần tiếp thêm động lực cho người bệnh chiến đấu với bệnh tật.
Với sự đồng hành của các nguồn quỹ đã giúp nhiều bệnh nhân lao vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, giúp họ an tâm điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng.
Ý kiến ()