Đồng hành cùng thuỷ điện Sơn La
Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất lắp đặt 2.400 MW. Với việc về đích sớm 3 năm, thuỷ điện Sơn La đã cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế 12,5 tỉ kWh điện, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỉ đồng. Để góp phần vào thành tựu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nguồn vốn kịp thời theo tiến độ xây dựng công trình.
Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất lắp đặt 2.400 MW. Với việc về đích sớm 3 năm, thuỷ điện Sơn La đã cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế 12,5 tỉ kWh điện, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỉ đồng. Để góp phần vào thành tựu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai thực hiện có hiệu quả, đáp ứng nguồn vốn kịp thời theo tiến độ xây dựng công trình.
Dự án thuỷ điện Sơn La có công trình chính đặt tại xã Ít Ong (nay là thị trấn Ít Ong), huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 36.933 tỷ đồng với 3 dự án thành phần là Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với 25.624,845 tỷ đồng; Dự án di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La do UBND tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm chủ đầu tư với 10.294,915 tỷ đồng; và Dự án các công trình giao thông tránh ngập do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với 1.013,240 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu triển khai thực tế, năm 2012 Dự án được điều chỉnh với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 60.195,928 tỷ đồng. Trong đó, Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La là 34.867,052 tỷ đồng; Dự án di dân, tái định cư là 20.293,821 tỷ đồng; Dự án các công trình giao thông tránh ngập là 5.035.055 tỷ đồng.
Lắp đặt tổ máy số 6 thuỷ điện Sơn La. (Ảnh: Đ.H) |
Có thể thấy, đây là dự án đa mục tiêu, có hiệu ích tổng hợp, có ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Đây cũng là thời cơ để một số địa phương của vùng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sắp xếp lại lao động và dân cư. Trong quá trình triển khai Dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các chủ đầu tư đảm bảo nguồn vốn thi công các dự án thành phần.
Làm lợi cho nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng
Được khởi công vào năm 2005, thuỷ điện Sơn La có khối lượng công việc thi công lớn nhất trong khu vực. Tổng khối lượng đào đắp đất đá các loại tại công trình lên đến trên 14,673 triệu m3; tổng khối lượng bêtông các loại gần 5 triệu m3; tổng khối lượng các thiết bị lắp đặt trên 72.070 tấn. Với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành tiến độ nhiều hạng mục của công trình. Theo đó, ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 đã hoà vào lưới điện quốc gia thành công; ngày 26/9/2012, cả 6 tổ máy đã được vận hành. Đến ngày 23/12/2012 đã chính thức diễn ra lễ khánh thành toàn bộ nhà máy, vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Nhà máy thuỷ điện Sơn La đã cung cấp sớm cho nền kinh tế quốc dân hàng tỷ kWh điện năng, làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Góp phần vào thành tích trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho EVN vay thoả thuận 4.000 tỷ đồng và 400 triệu USD giải ngân phần thiết bị nhập khẩu. Điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng, đó là luỹ kế số vốn giải ngân tính đến ngày 31/3/2013 là 4.000 tỷ đồng. Cũng tính đến ngày 31/3/2013, số nợ gốc đã thu là 1.064 tỷ đồng (thu từ đầu năm đạt 147 tỷ đồng); số nợ lãi đã thu là 1.424 tỷ đồng (thu từ đầu năm đạt 57 tỷ đồng); dư nợ là 2.936 tỷ đồng. Với khoản vay 400 triệu USD để nhập khẩu máy móc thiết bị, luỹ kế số vốn giải ngân tính đến ngày 31/3/2013 là 327.704.534,19 USD. Cũng tính đến ngày 31/3/2013, số nợ gốc đã thu là 25.198.745,26 USD; số nợ lãi đã thu là 75.960.127,82 USD; dư nợ là 302,505.789 USD. Nhìn chung, hiện nay dự án đã đi vào hoạt động và chủ đầu tư đã thực hiện trả nợ đúng hạn theo các hợp đồng tín dụng đã ký, không phát sinh nợ quá hạn và lãi treo.
Đa số hộ dân tái định cư có cuộc sống ổn định hơn
Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La, hàng vạn hộ dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời lên chỗ ở mới để nhường đất cho việc giải phóng lòng hồ chứa nước của thuỷ điện. Theo đó, tổng số hộ dân đã di chuyển là 20.340 với số nhân khẩu là 92.301. Tính đến nay, về cơ bản, đa số hộ tái định cư đã có chỗ ở mới. Cùng với công tác di dân, các dự án phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, trường, trạm… được triển khai kịp thời, đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc. Tính đến nay, tổng số các dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư sau rà soát là 2.966 dự án/2.676 dự án, tăng 290 dự án, trong đó ở Sơn La tăng 285 dự án; Lai Châu tăng 5 dự án. Dự án này có tổng mức đầu tư là 20.293.821 triệu đồng.
Nhiều nhà trẻ mẫu giáo mới ở Ít Ong, Mường La, Sơn La đã được xây dựng. (Ảnh: Đ.H) |
Để đảm bảo nguồn vốn triển khai Dự án di dân, tái định cư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý, thanh quyết toán vốn từ năm 2004. Với tinh thần ra sức đồng hành cùng đồng bào tái định cư, sau hơn 8 năm thực hiện, tính đến thời điểm ngày 31/3/2013, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thực hiện giải ngân được 14.789.984/20.293.821 triệu đồng, đạt 72,9% tổng mức đầu tư theo quy hoạch. Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, theo kế hoạch, Dự án di dân, tái định cư sẽ hoàn thành vào năm 2014. Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thanh toán với số vốn là 5.503.837 triệu đồng.
Kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện
Dự án công trình giao thông tránh ngập với chiều dài 287km các công trình tránh ngập, các tuyến đường tránh ngập cho các quốc lộ, tỉnh lộ, như quốc lộ 12 đoạn km 66 – km 102 (gồm cả cầu Hang Tôm); cầu Pá Uôn trên quốc lộ 279; đường tỉnh lộ 107 với chiều dài tránh ngập là 85km; đường tỉnh lộ 127 và cầu Lai Hà với chiều dài 99km;… Đến nay, dự án cầu Pá Uôn đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Dự án cầu Hang Tôm cũng đã hoàn thành và hiện đang tiếp tục triển khai thi công các gói thầu trên tuyến.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh toán vốn cho Dự án công trình giao thông tránh ngập từ năm 2004, tổng số kế hoạch vốn đã thông báo cho Dự án là 1.013.000 triệu đồng, trong đó công trình cầu Pá Uôn là 610.000 triệu đồng; công trình đường quốc lộ 12 (bao gồm cả cầu Hang Tôm) là 403.000 triệu đồng. Trong tổng số vốn trên, thì tổng số vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện đã thực nhận là 939.233 triệu đồng. Tính đến ngày 31/3/2013, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thanh toán cho Dự án là 938.407 triệu đồng, trong dự án cầu Pá Uôn do Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Sơn La quản lý thanh toán với số vốn là 605.645 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn thực hiện cấp phát uỷ thác cho dự án đường tỉnh lộ 107 do UBND các tỉnh Sơn La, Lai Châu làm chủ đầu tư – một tiểu dự án của Dự án công trình giao thông tránh ngập.
Có thể thấy, thuỷ điện Sơn La là công trình thuỷ điện lớn nhất của Việt Nam đầu tiên vượt tiến độ. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Để góp phần vào thành công trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Điều này cũng đã thể hiện sự thành công của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong công tác quản lý thanh toán vốn.
Dangcongsan
Ý kiến ()