Đồng hành cùng thanh niên nông thôn khởi nghiệp
LSO-Xác định đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là lực lượng xung kích, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, những năm qua, Tỉnh đoàn đã có nhiều chương trình như: tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp, hoạt động hỗ trợ vốn, kỹ thuật và giải quyết việc làm cho ĐVTN.
Mô hình ươm cây keo giống tại xã Minh Hoà, huyện Hữu Lũng mang lại thu nhập ổn định cho đoàn viên thanh niên trong xã |
Từ đầu năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức được 9 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho trên 500 ĐVTN tại các huyện và thành phố. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội phát triển các tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên đảm nhận. Đến hết quý I/2017, tổng dư nợ của tổ chức đoàn quản lý đạt trên 440 tỷ đồng với trên 477 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 13.889 hộ được vay; vốn dự án 120 (quỹ quốc gia giải quyết việc làm) đạt 1,77 tỷ đồng với 15 dự án.
Anh Nguyễn Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Nằm trong chương trình, kế hoạch giúp thanh niên khởi nghiệp trong giai đoạn 2017 – 2021, ngay từ đầu năm 2017, Tỉnh đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp tại 11/11 huyện, thành phố. Thông qua các lớp tập huấn này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp cho thanh niên có nhu cầu lập nghiệp, tạo cơ hội để ĐVTN trao đổi kinh nghiệm khởi sự lập nghiệp.
Cùng với đó, đầu năm 2017, Tỉnh đoàn ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn để tạo điều kiện cho ĐVTN niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với mức từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ĐVTN phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống.
Để đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả trong ĐVTN, các cấp bộ đoàn đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, tổ chức đoàn cũng có nhiều hoạt động đồng hành, giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế như: tạo điều kiện cho ĐVTN được tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế, củng cố và xây dựng mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế… Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 mô hình kinh tế của thanh niên đang thực hiện và bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ, trong đó đã có nhiều mô hình có thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình sản xuất vật liệu xây dựng của anh Lương Minh Tường, ĐVTN ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, mỗi năm trừ hết các khoản chi phí, anh thu được từ 150 – 200 triệu đồng và tạo việc làm cho 7 lao động, với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hà Văn Thương, Bí thư Đoàn xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng chia sẻ: Sau khi tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về cách thức lập nghiệp như thế nào cho hiệu quả. Tôi sẽ truyền đạt lại những kiến thức mà mình đã được học cho các bạn ĐVTN trong xã để cùng học tập, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, hoặc chọn cho mình một mô hình kinh tế phù hợp để phát triển.
Thời gian tới, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên, tập trung chỉ đạo, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo điều kiện cho các ĐVTN được tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi; đổi mới công tác hướng nghiệp, tập trung tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp và giải quyết việc làm để ĐVTN trên địa bàn tỉnh phát huy sức trẻ, nhiệt huyết, tiếp tục xung kích trong phát triển kinh tế – xã hội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()