Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương
Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp thực hiện. Sau ba năm triển khai với nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình đã trở thành điểm tựa, tạo động lực để hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới xóa mù chữ, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Ðáng chú ý, phụ nữ khu vực biên giới ngày càng tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Không lẻ loi trong hành trình xóa đói, giảm nghèo
Những năm trước đây, khi chưa có chương trình này, BÐBP vẫn luôn đồng hành cùng phụ nữ biên giới với nhiều việc làm thiết thực và nhân văn. Nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2020, tháng 3-2018, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BÐBP phát động chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Trung tướng Ðỗ Danh Vượng, Chính ủy BÐBP cho biết: Phụ nữ các dân tộc khu vực biên giới là đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ và cũng là lực lượng tham gia có hiệu quả với BÐBP trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Ngay sau khi phát động chương trình, Bộ Tư lệnh BÐBP đã vào cuộc hết sức trách nhiệm cùng Hội LHPN Việt Nam trao tặng 40 con bò giống, trị giá 600 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 14 công trình phụ trợ nhà văn hóa thôn tại các xã biên giới khó khăn trị giá gần 100 triệu đồng. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ BÐBP nhắn tin ủng hộ chương trình đạt gần 50 nghìn tin nhắn, trị giá gần một tỷ đồng.
Qua ba năm, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất thực hiện phương thức tự lực, tự chủ nguồn lực, mà không có sự đồng hành, giúp đỡ từ các tỉnh, thành phố khác. Hai xã Lục Hồn và Vô Ngại của huyện Bình Liêu được lựa chọn hỗ trợ là hai xã khó khăn nhất trong tuyến các xã vùng biên giới, có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối chia cắt; 100% số hộ dân là người dân tộc thiểu số: Tày, Dao, Sán Chỉ… tồn tại nhiều hủ tục. Hầu hết gia đình đồng bào Dao không có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại gần nhà ở, chủ yếu làm nông nghiệp với cách làm bảo thủ, ngại thay đổi. Phần lớn người dân đi làm thuê nơi khác, tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo cao (xã Vô Ngại 30%, xã Lục Hồn 24%), còn nhiều hộ có nhà ở tường đất không an toàn… Khi chọn địa bàn này triển khai chương trình, hội phụ nữ và lực lượng biên phòng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Thế nhưng, với sự lựa chọn đúng đắn địa bàn hỗ trợ, triển khai sáng tạo, hiệu quả, nhất là vai trò đóng góp thật sự hiệu quả của lực lượng BÐBP và hội phụ nữ cơ sở, tạo điều kiện của địa phương, sau ba năm, hai xã đã có đổi thay lớn về diện mạo, chuyển biến nếp sống rõ rệt. Bằng nguồn vận động xã hội hóa, hai bên đã huy động kinh phí thực hiện chương trình khoảng 1,7 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ BÐBP Quảng Ninh. Ðại úy Ðào Phương Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ BÐBP Quảng Ninh, người suốt ba năm qua luôn bám sát địa bàn, cùng đồng đội thực hiện hàng trăm chuyến công tác biên giới, cho biết: “ Suốt một năm, chúng tôi dành dụm quần áo, nồi niêu, bát đũa, chén uống nước tặng các gia đình chị em. Cây giống, vật nuôi phải tìm chỗ uy tín nhất, nâng niu sự sống để gửi lên biên giới. Chị em miền xuôi có kinh nghiệm gì về tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn hạnh phúc, nuôi con khỏe, đều chia sẻ với chị em miền ngược. Sự chăm lo tỉ mỉ, chu đáo ấy chỉ có được khi thật sự thấu hiểu, cảm thông. Công sức bỏ ra giờ có được thành quả, người hỗ trợ và người được hỗ trợ đều vui mừng, phấn khởi”.
Chị Trần Thị Thu, thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, những tưởng cả đời chấp nhận cái nghèo đeo bám. Khi chương trình triển khai, chị Thu được hỗ trợ 120 con gà giống, được cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, cán bộ hội phụ nữ các cấp thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ, truyền đạt kỹ thuật nuôi gà. Cũng từ đó, chị Thu có cơ hội học hỏi, tiếp xúc với tư duy tiến bộ, tổ chức cuộc sống, giữ sạch nhà cửa. Từ một phụ nữ ít nói, ngại giao tiếp, chị Thu giờ là hội viên tích cực tuyên truyền, vận động chị em khác tự tin cùng vươn lên thoát nghèo như mình. Chị Thu tâm sự: “Tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình nghĩa của các anh, chị BÐBP, của hội phụ nữ. Có họ đồng hành, chúng tôi tự tin tiếp bước, bởi trong hành trình thoát nghèo, chị em vùng biên giới xa xôi không còn lẻ loi, đơn độc”.
Vững tin bước tiếp
Chỉ trong ba năm, Ðồn Biên phòng Bát Mọt (Thanh Hóa) phối hợp hội phụ nữ đã làm được rất nhiều việc cho hội viên: ra mắt nhiều câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, trồng rau sạch, nuôi lợn nái đen, bò sinh sản, vịt bầu… Phối hợp Hội Phụ nữ huyện Thường Xuân tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết – Tết biên cương” vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, với nhiều hoạt động văn nghệ, tặng quà phụ nữ và trẻ em. Trao 10 con bò trị giá 100 triệu đồng, hai nghìn con vịt tặng 40 hội viên phụ nữ khó khăn; khám bệnh, cấp thuốc cho 250 hộ gia đình, cắt tóc miễn phí cho các cháu. Tổng số tiền vận động quyên góp thực hiện các chương trình nêu trên được khoảng 650 triệu đồng, trong đó riêng Ðồn Biên phòng Bát Mọt đóng góp và trực tiếp vận động được hơn 300 triệu đồng. Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Bát Mọt cho biết: Không chỉ đồng hành tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chúng tôi còn tích cực giúp đỡ các mô hình sinh kế thiết thực. Từ đó đã tạo tình cảm, trách nhiệm giữa miền xuôi với miền ngược, tuyến sau với tuyến trước. Trên con đường dài đi và đến, đồng hành cùng chương trình, chị em phụ nữ các cấp và cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh đã đem tình người, sự sẻ chia đến với vùng biên giới, đến với phụ nữ vùng biên, với trẻ em nghèo khó, với các nhà trường trong xã Bát Mọt bằng tình cảm, trách nhiệm cao.
Ðến nay, các tổ chức hội phụ nữ và đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài qua các mô hình phát triển kinh tế. Ðiển hình như tỉnh Quảng Bình xây dựng Tổ hợp tác sản xuất nấm sạch; tỉnh Kon Tum thành lập Tổ liên kết phụ nữ trồng mì cao sản; tỉnh Cao Bằng xây dựng mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai trắng kinh tế. Tỉnh Ðắk Lắk trao hơn 220 triệu đồng vốn khởi nghiệp khởi sự kinh doanh cho phụ nữ 12 hộ xã biên giới; tổ chức lớp may dân dụng cho hơn 30 phụ nữ nghèo xã Ia Lốp, huyện Ea Súp… Hội LHPN tỉnh Ðồng Tháp hỗ trợ xây dựng công trình “Nước ngọt vùng biên”, cầu nông thôn, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng… Thành công của chương trình là minh chứng cho một hướng đi mới, hiệu quả trong triển khai công tác hội phụ nữ cũng như làm công tác dân vận của BÐBP. Với các hoạt động ngày càng thực chất, cụ thể, gắn với nhu cầu thiết thân của hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn, chương trình đã “bắn trúng” nhiều đích: vừa giúp hội viên phụ nữ xóa đói, giảm nghèo, vừa nâng cao nhận thức về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng ngừa tội phạm, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nếp sống mới.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đồn biên phòng khu vực miền trung và miền bắc ngập chìm trong băng giá, rét buốt khi nhiệt độ có nơi chỉ còn 1 đến 2oC, nhưng tình người thật ấm áp. Kể từ khi có chương trình, sự đồng hành của chị em đã giúp cán bộ, chiến sĩ BÐBP ấm lòng, vững tin hơn, hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, hàng trăm lượt cán bộ hội phụ nữ các cấp, hàng nghìn hội viên phụ nữ khu vực biên giới thường xuyên thăm hỏi, động viên, cung cấp lượng thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các tổ, chốt, trạm biên giới, góp phần tăng thêm động lực, quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ BÐBP vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều hội viên phụ nữ là y, bác sĩ ở khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân y các đồn biên phòng tổ chức thu dung, phân loại, sàng lọc người xuất, nhập cảnh qua biên giới, bàn giao, cách ly theo quy định. Những ngày lễ, Tết, các đồn thường duy trì trực 100% quân số, nỗi nhớ gia đình, quê hương tạm nguôi ngoai khi các chị em hội viên, hội phụ nữ cơ sở đã lên tận chốt, tới tận đồn giúp bộ đội gói bánh chưng, trang trí Tết. Tình nghĩa quân dân chưa bao giờ thắm đượm và giàu sẻ chia đến thế. Có thể thấy, những hoạt động đồng hành của phụ nữ cả nước tới phụ nữ biên cương dưới sự giúp sức của BÐBP đang ngày càng lan tỏa đến từng chi hội phụ nữ, từng hội viên ở cơ sở.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ: Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020 đã đạt những kết quả đáng khích lệ, khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, giai đoạn 2021 – 2025, hai bên tiếp tục triển khai chương trình, đề cao tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chương trình với phương châm “Ðồng lòng, sáng tạo, thực chất, bền vững”; duy trì, xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững ở khu vực biên giới, đẩy mạnh các hoạt động an sinh, xã hội; tiếp tục hỗ trợ 110 xã biên giới giai đoạn 2018 – 2020 và đăng ký hỗ trợ nhận đỡ đầu, kết nghĩa 150 xã biên giới giai đoạn 2021 – 2025, ưu tiên các xã chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu…
Sau ba năm, khoảng 150 tỷ đồng đã được huy động để thực hiện chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Hỗ trợ gần sáu triệu con giống gia súc, gia cầm; gần 4,4 tỷ đồng vốn vay; 324 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế; xây dựng gần 1.000 công trình dân sinh; tặng gần 700 căn nhà “Mái ấm tình thương”; trao hơn 70 nghìn suất quà, 7.000 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó; tổ chức gần 500 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ; vận động qua Cổng thông tin nhân đạo 1400 gần bốn tỷ đồng hỗ trợ mô hình sinh kế tại 39 xã thuộc chương trình… Ước tính có gần 130 nghìn phụ nữ được thụ hưởng từ chương trình.
Ý kiến ()