Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất rộng hơn 4ha bao gồm ba trại sản xuất giống, một khu chế biến nước mắm trị giá hàng trăm tỷ đồng, anh Đinh Thanh Khiết, Giám đốc Công ty Liên Phong tâm sự: Tuổi trẻ ai cũng có hoài bão, lý tưởng. Nhưng mỗi người lại có cách làm riêng để biến những hoài bão, lý tưởng đó thành hiện thực. Vì vậy sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định đi học trung cấp thủy sản và trở về lập nghiệp trên quê hương mình bằng nghề “nuôi trồng thủy sản”.
Trên tuyến bờ biển dài 32km của huyện Giao Thủy có hai cửa sông chính Ba Lạt (sông Hồng), Hà Lạn (sông Sò), hằng năm đổ ra biển hàng tỷ tấn phù sa màu mỡ, tạo nên những khu vực “bồi-nổi” rộng hơn 12 nghìn ha thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như ngao, sò, vạng, rong câu, tôm, cua.
Dẫu vậy khi tạm biệt trường trung cấp Thủy sản trở về quê nhà với những kiến thức tiếp thu được trong ba năm “dùi mài kinh sử” cùng bao dự tính cho một tương lai tốt đẹp, anh Khiết vẫn chưa có “đất dụng võ”. Khi đó việc NTTS ở xã Giao Phong nói riêng và huyện Giao Thủy nói chung vẫn mang tính tự phát theo hình thức quảng canh. Mọi sự may rủi đều dựa vào tự nhiên. Cuộc sống của hầu hết các hộ dân trong xã đều gặp khó khăn. Bản thân anh Khiết phải mở hiệu chụp ảnh đám cưới để ổn định cuộc sống gia đình. Song trong anh vẫn nặng trĩu một tâm trạng, đất quê mình giàu tiềm năng như thế mà cứ chịu đói nghèo là điều không thể chấp nhận được.
Chính vì vậy, anh Khiết bàn với vợ dành một khoản thu nhập từ nghề chụp ảnh đầu tư cho việc NTTS. Bước đầu cũng ngăn đầm, đón nước thủy triều lấy các loại con giống để nuôi quảng canh. Nhưng nhờ có kiến thức nên đầm nuôi tự nhiên của anh thường có thu hoạch cao hơn các hộ khác. Sau gần mười năm cần cù lao động, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ dần khá lên.
Năm 2002, khi đã có chút lưng vốn, anh Khiết quyết định thành lập Công ty Liên Phong, nhận đấu thầu khu vực “thùng đào thùng đấu” ven tuyến đê biển thuộc địa phận của xã cải tạo thành khu NTTS theo hướng sản xuất công nghiệp rộng khoảng 4ha bao gồm bốn ao nuôi hải sản thương phẩm; 100 bể (có diện tích 5m3/bể) sản xuất con giống tôm sú, cua biển, cá bống bớp.
Sau hai năm đi vào hoạt động, Công ty Liên Phong cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống hải sản cho các hộ NTTS trong xã. Bình quân mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 30 triệu con tôm sú; 10,5 triệu con tôm he; 1,2 triệu con cua biển; 10 vạn con cá bống bớp. Khi phong trào nuôi ngao ở Giao Phong phát triển, anh Khiết đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng trại sản xuất giống ngao.
Trong mấy năm gần đây, Công ty Liên Phong đã sản xuất và cung ứng cho các hộ dân trong khu vực khoảng 2 tỷ con giống ngao/năm (bằng 1/5 lượng giống ngao của cả huyện Giao Thủy), nhờ đó việc nuôi ngao ở địa phương này ngày càng phát triển ổn định và bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Hiện ở xã Giao Phong có gần 200 hộ dân giàu lên nhờ nuôi ngao do có giống của Công ty Liên Phong cung ứng.
Ba năm trở lại đây ngoài việc đáp ứng nhu cầu con giống cho NTTS ở huyện Giao Thủy, Công ty Liên Phong còn vươn ra cung ứng giống cho các cơ sở NTTS ở Quảng Ninh, Thanh Hóa. Học tập mô hình sản xuất giống hải sản của Liên Phong, trên địa bàn huyện Giao Thủy hiện có mười hộ dân tham gia sản xuất giống. Từ năm 2010 đến nay các trại giống này đã đáp ứng cơ bản nhu cầu giống cho toàn huyện góp phần quan trọng để nghề NTTS phát triển bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Giao Thủy.
Công ty Liên Phong hiện có gần 50 lao động bao gồm hai kỹ sư, bảy cán bộ trung cấp kỹ thuật và 40 công nhân làm việc với mức thu nhập ổn định từ 2,5 triệu – 3,5 triệu đồng/người/tháng; lãi ròng của Liên Phong không dưới 500 triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại với những gì đã có, gần đây Đinh Thanh Khiết lại thực hiện Dự án ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi tu hài thương phẩm nhằm mở ra hướng đi mới cho việc NTTS ở Giao Thủy đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Vươn lên từ nghèo khó nên anh Khiết luôn có sự đồng cảm với những người nghèo, tìm mọi cách giúp đỡ họ. Gia đình ông Nguyễn Văn Tư (xóm 5) đông con, ngoài mấy sào ruộng khoán lại đi cào ngao mót vạng ngoài bãi bồi cũng chỉ “đắp đổi” qua ngày. Trước tình cảnh đó, anh Khiết đã gặp gỡ, động viên và hứa sẽ hỗ trợ vốn, giống để ông Tư sản xuất ổn định cuộc sống gia đình.
Cảm động trước sự cưu mang của anh Khiết, gia đình ông Tư nhận 5000m2 bãi bồi để nuôi ngao. Nhờ đó cuộc sống của gia đình ông Tư từ chỗ thiếu đói triền miên đến nay đã có “bát ăn, bát để” dư sức nuôi bốn con ăn học đại học và trung cấp nghề.
Hơn hai chục gia đình trẻ mới lập nghiệp chưa có vốn liếng, kinh nghiệm NTTS đều được anh Khiết giúp đỡ về mọi mặt và đổi đời như gia đình ông Nguyễn Văn Tư. Anh Đinh Thanh Khiết vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Đình Của, cùng nhiều phần thưởng của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, của các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể ở tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy.
Song niềm vui lớn nhất đối với anh Khiết chính là những tình cảm chân thành mà mọi người trong xã dành cho. Bởi đối với họ, Đinh Thanh Khiết là người bạn đồng hành cùng nhà nông vượt qua đói nghèo làm giàu chính đáng trên quê hương.
Ý kiến ()